Blog thị trường

Nỗi lo tăng giá

Cập nhật, 14:25, Thứ Bảy, 04/12/2021 (GMT+7)

Anh Tám Truyện- thợ điện nước ở TP Vĩnh Long, cho biết đã bổ đơn hàng vài chục triệu đồng vật tư điện nước từ hơn 2 tuần trước để “né” đợt tăng giá mới, theo các đại lý thông báo tăng thêm 10%. Trong khi đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng đã có bước điều chỉnh giá tăng đáng kể so với tháng trước, thậm chí một số mặt hàng khách vừa bước ra khỏi cửa tiệm quay vào đã… tính giá mới.

Số liệu thống kê của ngành chức năng cũng cho thấy, giá nhiều mặt hàng, phân bón, nguyên- vật liệu phục vụ tiêu dùng, sản xuất cũng đã tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi so với đầu năm, khiến chi phí của nông dân, doanh nghiệp đội lên nhiều lần. Đang dần hồi phục sau dịch COVID-19 lại thêm gánh nặng “đầu vào”, hoạt động sản xuất kinh doanh đã khó chồng thêm khó. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất đối mặt những cái khó về thiếu hụt đơn hàng, nguồn lao động, vốn đầu tư… và đầu ra sản phẩm mùa cuối năm chưa mấy khả quan. Nông dân lại lo giá cả nông sản sụt giảm, khó bán, làm sao bù đắp được chi phí phân bón tăng chóng mặt?

Riêng trong tháng 11, giá gas, xăng dầu tiếp tục điều chỉnh mức tăng khá cao đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,21% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng của giá cả nhóm giao thông tăng 3,47% (trong đó, giá nhiên liệu tăng 8,32%).

CPI bình quân trong 11 tháng năm 2021 tăng 2,05% so với cùng kỳ, thấp hơn 1,48 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2020.

Số liệu Cục Thống kê cũng cho thấy, CPI bình quân 11 tháng của 20/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung. Ngoài ảnh hưởng của gas và các loại chất đốt khác tăng 24,87%; còn có nhóm giao thông tăng 10,99%, lương thực tăng 6,6%, dịch vụ giáo dục tăng 5,22%, hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân tăng 4,24%...

Do vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, việc kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường cũng là giải pháp cần được chú trọng để kích thích tiêu dùng tháng cuối năm và dịp Tết sắp tới.

LÝ AN