Thủy sản- neo thì lỗ, bán không ai mua

Cập nhật, 11:27, Thứ Tư, 22/09/2021 (GMT+7)

 

Khó đầu ra, người nuôi thủy sản buộc phải cho ăn cầm chừng.
Khó đầu ra, người nuôi thủy sản buộc phải cho ăn cầm chừng.

(VLO) Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, tiêu thụ nội địa hạn chế, giá nhiều loại thủy sản giảm ở mức thấp, sản phẩm tồn đọng, nhiều người nuôi thủy sản buộc phải nuôi cầm chừng.

Tiến thoái lưỡng nan

Nhiều ao nuôi thủy sản đã bắt đầu thu hoạch nhưng giá liên tục giảm, không tìm được đầu ra, khiến người nuôi khó càng thêm khó.

Nhiều người nuôi thủy sản cho hay, giá giảm, tiêu thụ chậm là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên giá thủy sản xuống thấp.

Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn cũng đã tạm ngưng hoạt động, khiến tình hình tiêu thụ càng khó khăn hơn.

Chi phí sản xuất tăng, giá bán dưới giá thành sản xuất, sản phẩm khó tiêu thụ,... là những khó khăn mà người nuôi cá tra đang gặp hiện nay. Không ít người nuôi lo lắng, rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: neo ao thì lỗ do phát sinh thêm chi phí thức ăn, cá quá lứa sẽ giảm chất lượng, bán thì không ai mua.

Ao cá tra tới lứa thu hoạch, nhưng anh Trần Thái Bảo (xã An Bình- Long Hồ) không bán được chỉ đành nuôi cầm chừng. Anh Bảo cho hay: “Giá cá thấp, công ty đóng cửa không thu mua. Trong khi thương lái thu mua, đội bắt cá chủ yếu ngoài tỉnh, nên chỉ còn neo cá trong ao”.

Tương tự, có 4 ao nuôi cá tra, chú Phạm Văn Danh (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cho biết: “Năm nay do dịch bệnh, nhà máy sản xuất chế biến cá tra tạm ngừng hoạt động nên không thu mua, do đó cá của tôi neo hoài mà chưa bán ra được. Càng nuôi càng tăng chi phí”.

Theo UBND xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), xã có 20ha nuôi cá tra và cá lồng bè, tập trung ở 2 ấp Phước Định 1 và Phước Định 2 nằm cặp sông Cổ Chiên. Đến thời điểm này còn 4 hồ nuôi cá tra tới đợt bán khoảng 1.000 tấn mà chưa bán được, do các cơ sở thu mua cá tra tạm ngừng hoạt động.

Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- cho hay: “UBND xã đã lập danh sách các hộ nuôi cá tra chưa bán được gửi đến Sở Công thương đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ tìm đầu ra cho các hộ nuôi”.

Không chỉ cá tra mà nhiều loại thủy sản khác trên địa bàn tỉnh như: lươn, cá điêu hồng, ếch,… cũng tiêu thụ chậm. Giá thấp, chưa xuất bán được số lượng lớn nên chú Lâm Ngọc Sơn (Phường 8- TP Vĩnh Long) đành nuôi cầm cự 3.500 con lươn hơn 10 tháng.

Chú Sơn cho hay: “Hiện mỗi con đã đạt 250-300g nhưng ít thương lái đến thu mua, chỉ bán lẻ số lượng rất ít do không có đủ phương tiện, nhân lực giao hàng.

Giá lươn năm rồi bán được 200.000- 210.000 đ/kg, thì năm nay chỉ còn nửa giá. Tôi vừa bán lẻ, vừa nuôi cầm chừng, neo ao, mong thời gian tới giá sẽ nhích hơn, nhưng cũng khó quá vì giá thức ăn tăng nhiều”.

Mong được hỗ trợ đầu ra

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện giá thủy sản nguyên liệu thấp hơn giá thành sản xuất trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và giá trị sản xuất của ngành thủy sản.

Trong đó, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giao dịch hạn chế.

Hoạt động bắt cá nguyên liệu của các doanh nghiệp gặp khó do các địa phương đang thực hiện giãn cách, doanh nghiệp lớn duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, chủ yếu làm hàng kho và giữ ở mức công suất thấp do hạn chế về nhân lực và nguyên liệu.

Trong tháng 8- 9/2021, giá cá tra công nghiệp dao động từ 20.000- 22.000 đ/kg, với mức giá này sau khi trừ chi phí người nuôi cá tra không có lãi, nếu phải thuê mướn ao hầm thì dẫn đến thua lỗ.

Hiện toàn tỉnh có hơn 277ha ao cá tra (thâm canh) đang thả nuôi (trong tổng số hơn 434ha); 1.142 chiếc lồng, bè đang thả nuôi (trong tổng số 1.709 chiếc). Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 8 tháng năm 2021 được 89.135 tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng cá tra công nghiệp ước được 56.950 tấn, so cùng kỳ giảm 12%.

Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản cho nông dân nhưng số lượng tồn đọng vẫn còn nhiều.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản, cho hay: Từ đầu năm đến nay, diện tích treo ao chủ yếu ở các cơ sở nuôi không còn vốn để tái sản xuất; ao bị sạt lở nặng không thể tiếp tục sản xuất.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra do hoạt động vận chuyển bị gián đoạn. Trong thời gian qua các cơ sở đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ, nên chỉ cho cá ăn gián đoạn hoặc tạm ngưng chờ giá tăng trở lại.

Giá giảm, sản lượng giảm, tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn, khiến nhiều người nuôi thủy sản thua lỗ nặng, nhiều hộ không đủ điều kiện tái đầu tư sản xuất. Điều này không chỉ ảnh hưởng thu nhập mà còn làm thiếu nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu trong các tháng cuối năm.

Người nuôi mong muốn ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ đầu ra kịp thời, để giảm bớt khó khăn trong dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), toàn tỉnh có 20/212 cơ sở đang nuôi cá tra có liên kết sản xuất với 81,55ha (chiếm 28,8% tổng diện tích đang thả nuôi), trong đó, có 3 cơ sở nuôi ký hợp đồng với nhà máy chế biến thủy sản, còn lại 192 cơ sở nuôi không liên kết; 118/249 cơ sở đang nuôi lồng/bè có liên kết trong sản xuất (chiếm 47,4% tổng số cơ sở nuôi).

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN