Chủ động phục hồi kinh tế theo lộ trình, có kiểm soát

Cập nhật, 12:28, Thứ Bảy, 18/09/2021 (GMT+7)

Dịch COVID-19 đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ nên đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ để vượt qua, tiến tới phục hồi và tiếp tục phát triển.

Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động sản xuất cần theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát. Ảnh minh họa
Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động sản xuất cần theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát. Ảnh minh họa

Theo báo cáo ngày 11/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo), tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng tích cực trên phạm vi cả nước, với tỉ lệ mắc mới và tử vong tại cộng đồng ở nhiều tỉnh đã giảm.

Trong số 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh; 12 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch; 3 địa phương cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang.

Thành công trong chống dịch đạt được là nhờ sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng lãnh đạo, chỉ đạo vừa tập trung, vừa phân công, phân cấp, phân quyền, lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống và chiến thắng dịch bệnh; sự triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế trong xét nghiệm, điều trị giảm tử vong, tiêm vaccine, đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở; bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân; bảo đảm an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; quản lý, kêu gọi, tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, tập trung vào tiêm phủ vaccine toàn dân, nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, nhất là xét nghiệm và điều trị…

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, chủ động có phương án khôi phục và phát triển kinh tế.

Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động xã hội cần tuân theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá, tránh tư tưởng nóng vội, lơ là, mất cảnh giác để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”; phòng dịch tốt thì không phải chống dịch...

Cần tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo đó, vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Tập trung hỗ trợ cả về thể chế hành chính và tín dụng-tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mục tiêu phấn đấu luỹ kế đến hết năm 2021, ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh và đại đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp đồng bộ, hài hòa các giải pháp hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả từ tất cả các cấp, ngành đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị cũng như từ sự nỗ lực, tuân thủ chung trong chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh và từ năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua khó khăn, thách thức của từng người dân và doanh nghiệp.

Dịch bệnh COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển…!

Theo TS. Nguyễn Minh Phong/Báo điện tử Chính phủ