"Nóng" thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi

Cập nhật, 08:48, Thứ Sáu, 18/06/2021 (GMT+7)

 

 Giá phân bón tăng nhiều từ đầu năm đến nay.
Giá phân bón tăng nhiều từ đầu năm đến nay.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều loại nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi... đồng loạt tăng giá dẫn đến giá thành sản xuất bị đội lên, khiến nông dân gặp khó về đầu vào lẫn đầu ra.

Giá tăng 30- 50%

Nhiều nông dân cho hay, từ đầu năm đến nay, giá phân bón, thuốc BVTV đã tăng lên 30% so với năm trước. Theo đó, so với cùng kỳ, giá các loại phân urê, kali sản xuất trong nước đã tăng 100.000- 150.000 đ/bao 50kg, giá phân bón DAP nhập khẩu tăng 200.000- 240.000 đ/bao 50kg,...

Khi được hỏi về lý do tăng giá, một số chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cho hay, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó khăn, cộng thêm tác động bởi giá phân bón trên thế giới tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển, nguyên liệu,… đều tăng nên giá cả tăng lên là “điều hiển nhiên”.

Giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, khiến nông dân gặp khó càng thêm khó. Anh Châu Hoàng Vũ (Khóm 4, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho hay: “Vài tháng nay, giá phân bón, giá thuốc BVTV tăng hoài. Vụ Hè Thu này đã tốn thêm hơn 500.000- 700.000 đ/công tiền phân thuốc. Giá lúa thì không tăng, nếu ruộng nào gặp sâu bệnh nhiều là coi như lỗ”.

Không chỉ riêng phân bón, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 30- 50%, trong khi giá thành phẩm không tăng, thậm chí sụt giá, làm người chăn nuôi không có lời, thậm chí lỗ vốn nặng, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nuôi cá lóc hơn 5 năm nay, chú Nguyễn Văn Lập (xã Phú Thành- Trà Ôn) cho biết tôi nuôi được 2,5 công mặt nước, đó giờ mới thấy giá thức ăn tăng lên nhanh mà nhiều như vậy. So với năm trước, thức ăn cho cá tăng 75.000- 80.000 đ/bao 25kg. Mùa này cá bệnh nhiều, giá thức ăn thì tăng liên tục. Từ đầu năm đến nay đã có 7-8 lần tăng giá. Tính chi phí 1kg cá đến lứa bán khoảng 33.000- 34.000 đ/kg, trong khi giá thu mua thấp, người nuôi lỗ vốn nặng”.

Nhiều người chăn nuôi heo, gà, vịt cũng cho hay, nhiều năm gần đây chưa khi nào giá cám, giá thức ăn tăng liên tiếp nhiều đợt và cao như hiện nay. Anh Nguyễn Văn Tấn (xã Phú Quới- Long Hồ) cho biết: “Khoảng 4-5 tháng nay, giá thức ăn nuôi heo đã tăng đến 5 lần, hiện chi phí thức ăn cho heo đã tăng gần gấp đôi, cộng với giá con giống tăng, tiền thuốc, tiêm phòng dịch bệnh, người nuôi khó có lời lại còn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh”.

Kinh doanh thức ăn chăn nuôi hơn 20 năm, cô Nguyễn Thị Hoàng- chủ Cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi Hoàng (thị trấn Cái Nhum) cho hay giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự đoán sẽ còn tăng. Nguyên nhân là do thị trường trong nước không chủ động được nguồn nguyên liệu, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cần siết chặt chất lượng

Nắm được tình hình thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng trong thời gian qua, Sở Công thương tỉnh đã tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng năm 2021.

Giám đốc Sở Công thương- Phạm Tứ Phương cho biết đợt kiểm tra nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Qua đó, lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo Phó Chánh thanh tra Sở Công thương Đỗ Văn Pha- Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra rà soát toàn diện về các thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư, điều kiện kinh doanh, giấy phép hoạt động, công bố hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

“Khi đến kiểm tra tại một số cơ sở doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, đa số cơ sở thực hiện tốt việc niêm yết giá, bao bì, nhãn mác rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, qua lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng đã phát hiện 1/12 mẫu phân bón kém chất lượng, 1 cơ sở kinh doanh phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tập trung thanh- kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc”- ông Đỗ Văn Pha cho biết thêm.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, để ổn định thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi, bên cạnh sẽ vào cuộc của ngành chức năng, cần tìm giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Khuyến khích các công ty, nhà máy tăng sản lượng sản xuất và hạn chế xuất khẩu, ưu tiên nguồn hàng phục vụ sản xuất trong nước.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN