Từ Nghị quyết 120: Hành động và tư duy đổi mới cho tương lai đồng bằng

Kỳ 3: Liên kết vùng từ những đặc trưng khác biệt

Cập nhật, 05:58, Thứ Hai, 05/04/2021 (GMT+7)

 

Kinh tế nông nghiệp đang thiếu những giải pháp liên kết chặt chẽ, hiệu quả.
Kinh tế nông nghiệp đang thiếu những giải pháp liên kết chặt chẽ, hiệu quả.

(VLO) Những đặc trưng, khác biệt của từng địa phương đang đặt ra thách thức không nhỏ trong việc ứng phó hạn- mặn, rộng hơn là biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để đồng bằng giàu mạnh, “thuận thiên” trong mối liên kết vùng là bài toán khó cần lời giải cấp thiết.

Gỡ nút thắt vùng đệm

Tại Vĩnh Long, nếu tính từ đợt xâm nhập mặn mùa khô 2015- 2016 đến nay đã hơn 5 năm- thời gian cũng đủ để người dân không còn bất ngờ mỗi khi mặn xâm nhập.

Tuy nhiên, do vùng đệm mặn- ngọt chưa hình thành rõ nét, thời gian ngập ngọt trong năm đủ dài để chính quyền và người dân chọn cách ngăn mặn để bảo vệ sản xuất, dân sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, giải pháp ứng phó hạn- mặn hiện nay vẫn là vận dụng linh hoạt, hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt và giải pháp thủy lợi vẫn luôn giữ vai trò hết sức quan trọng, mang tính sống còn.

Được đưa vào sử dụng để ứng phó với hạn- mặn từ đầu năm 2020, cùng với các công trình khác trong hệ thống, cống Vũng Liêm góp phần kiểm soát mặn, triều cường, tạo nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh).

Theo ông Kiều Văn Công- Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT), công trình đã đáp ứng tốt nhu cầu dùng nước của lưu vực dự án.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm cụ thể, do mùa vụ, nhu cầu dùng nước của Trà Vinh và Vĩnh Long khác nhau nên việc vận hành cống cần điều chỉnh lại để đáp ứng yêu cầu thực tế phát sinh.

Theo đó, khi độ mặn từ 1‰ trở xuống (nước ngọt), cống Vũng Liêm mở tự do đã làm mực nước trong đồng phía Trà Vinh giảm, các huyện Châu Thành, Trà Cú... bị thiếu nước sản xuất.

Khi độ mặn lớn hơn 1‰, cống Vũng Liêm đóng giúp trữ được nước cho Trà Vinh nhưng một số xã của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) bị ngập do nước dồn từ kinh Mây Tức về, ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất và có thể có ô nhiễm nếu đóng cống dài ngày.

Từ các vướng mắc nêu trên, mới đây, các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cùng ngành chuyên môn 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đã họp bàn phương án vận hành cống Vũng Liêm.

Thực tế cho thấy, khi hạn- mặn xảy ra, từng địa phương sẽ có giải pháp ứng phó phù hợp với mức độ, thời gian xâm nhập mặn cũng như kinh nghiệm sống chung với mặn của địa phương đó.

Việc đi đến thống nhất lập quy trình vận hành cống bước đầu đi đến “hài hòa lợi ích ứng phó với hạn- mặn”- xả ô nhiễm phía Vĩnh Long, trữ nước cho phía Trà Vinh. Đây cũng là một kinh nghiệm trong mối liên kết đa ngành, nhiều chiều đang đặt ra ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay.

Liên kết từ địa phương đến vùng

“Chúng ta coi nước lợ và nước mặn là một nguồn lực của tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững nguồn tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng; chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Bên cạnh, xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi.

Ứng phó hạn- mặn cũng cần quan tâm việc phối hợp nhịp nhàng trong quản trị nguồn nước.
Ứng phó hạn- mặn cũng cần quan tâm việc phối hợp nhịp nhàng trong quản trị nguồn nước.

Ở góc nhìn chuyên môn, TS. Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- ĐH Cần Thơ) cho rằng: “Rất nhiều loài cần ngập- cần khô trong ngày; cần mặn, cần ngọt trong năm. Ví dụ như thòi lòi nước lớn chui xuống hang, nước ròng nhô bãi bồi mới leo lên kiếm ăn.

Cây đước là rừng ngập mặn nhưng cần một thời gian nước ngọt trong năm mới phát triển tốt. Ngược lại, những dòng sông, con rạch ở vùng duyên hải lại cần một giai đoạn mặn trong năm để rửa sạch ô nhiễm, giết bớt lục bình giúp dòng sông thông thoáng.

Đó là cơ chế tự điều chỉnh, tự khắc phục những sai lầm của hệ sinh thái”. TS. Dương Văn Ni còn cho rằng: “Đó là bản chất của hệ sinh thái. Chúng ta cần hiểu đúng nó để hành xử đúng”.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)- cũng cho rằng, dòng sông có 3 chức năng: trao đổi của sông với biển; trao đổi nước từ thượng nguồn về hạ nguồn; trao đổi giữa dòng sông với con người và trên bờ để lấy nước sản xuất, sinh hoạt…

Hệ sinh thái ĐBSCL phân chia rất rõ: vùng biển là hệ sinh thái mặn, trong đồng là nước ngọt, ở giữa là hệ sinh thái nước lợ. Trong đó, hệ sinh thái nước lợ “pha trộn” rất lớn tạo ra rất nhiều loài cá nước lợ, cây nước lợ… PGS. TS. Lê Anh Tuấn phân tích: “Nếu vì sợ mặn mà đắp đê ngăn cách mặn- ngọt, vô tình sẽ làm thay đổi hệ sinh thái, gây ra những hậu quả đáng tiếc”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới sẽ phát huy vai trò Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, đặc biệt trong đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể liên ngành, kết nối vùng, các chương trình, dự án trọng điểm mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững ĐBSCL. Đồng thời, sớm ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 làm căn cứ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các tỉnh trong vùng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, vùng ĐBSCL đã định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.

Vì vậy, hiểu đúng bản chất hệ sinh thái đồng bằng để hành động đúng cũng là một mệnh lệnh từ thực tế. Điều đó cần có sự liên kết vùng trong ứng phó hạn- mặn, mà rõ nét nhất là phối hợp nhịp nhàng trong quản trị nguồn nước.

Bên cạnh các giải pháp phi công trình, thì các giải pháp công trình có tính liên vùng đa mục tiêu hạn chế đến tác động của BĐKH là một trong những định hướng chiến lược của Nghị quyết 120.

Cần “hành động tập thể”, bởi theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang- Lê Tiến Châu: “biến đổi khí hậu là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính của một tỉnh nên cần tiếp cận và giải quyết theo vùng”.

Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao là do một số địa phương gặp phải vấn đề xung đột lợi ích, địa phương nào cũng mong muốn bứt phá, vươn lên nên xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương trong khu vực với nhau.

Thể hiện quan điểm và hành động gắn kết vì mục tiêu chung, ông Phạm Thiện Nghĩa- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- cho biết để chia sẻ với các tỉnh hạ nguồn sông Mekong, Đồng Tháp đã điều chỉnh lại các quy hoạch ven sông Tiền, sông Hậu; hạn chế thu hút các dự án đầu tư có khả năng gây ô nhiễm để đảm bảo môi trường chung cho ĐBSCL.

Về lâu dài, “Bộ Tài nguyên- Môi trường cần vào cuộc và quy hoạch cho tổng thể của đồng bằng, tránh mỗi tỉnh mỗi đào trữ nước mà không phát huy hiệu quả”- ông Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị.

Điều đáng ghi nhận là một số tỉnh đã có tư duy đổi mới trong liên kết thực hiện giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, không còn mang nặng “cục bộ địa phương”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang- Nguyễn Thanh Bình, các tỉnh ĐSBCL bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu về thông tin phát triển kinh tế- xã hội cho toàn vùng. Riêng An Giang đã ký kết với Kiên Giang trong quản lý nguồn nước.

Cùng với đó, nhiều dự án liên kết liên vùng kết nối An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp đã và đang được thực hiện như dự án đầu tư thủy lợi cho vùng Tứ Giác Long Xuyên; dự án tăng cường khả năng chống sạt lở giữa sông Tiền và sông Hậu; chuẩn bị triển khai xây dựng tuyến đường liên vùng Kiên Giang và Đồng Tháp…

Từ những thành công bước đầu, ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị “cần sớm ban hành cơ chế để nâng cao hơn nữa hiệu quả liên kết vùng”. Rõ ràng liên kết là vấn đề đã được nhìn nhận và đang cấp thiết cần làm ngay.

Ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập

Có rất nhiều ví dụ về hệ lụy của sự thiếu điều phối cho toàn vùng. Bao đê khép kín để canh tác vùng ngập lũ thì đẩy nước đi nơi khác. Khai thác cát ở một nơi thì đáy sông bị sâu, sau đó khi đáy sông chính bị sâu sẽ rút đáy sông nhánh rồi tuần tự rút đáy sông rạch nhỏ hơn, làm cho sạt lở lan tỏa khắp nơi, nhưng việc cấp phép khai thác cát hiện nay lại theo ranh giới hành chính từng tỉnh. Du lịch cũng vậy, thiếu điều phối kết nối với nhau, khách đến một nơi là biết tất cả vì nơi nào cũng như nhau. Chưa kể nhiều cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương vì thiếu điều phối. Do đó, cần điều phối sự phát triển của vùng một cách hài hòa.

Kỳ sau: Chiến lược phát triển mới cho ĐBSCL

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ