Từ Nghị quyết 120

Hành động và tư duy đổi mới cho tương lai đồng bằng

Cập nhật, 05:40, Thứ Năm, 01/04/2021 (GMT+7)

 

Nông dân cù lao Hòa Minh thu hoạch tôm càng xanh giữa mùa khô tháng 2/2021.
Nông dân cù lao Hòa Minh thu hoạch tôm càng xanh giữa mùa khô tháng 2/2021.

(VLO) Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120 đã được thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá khách quan về những việc làm được, cũng như chưa làm được để phát triển ĐBSCL.

Nhìn lại tiến trình ứng phó và thích nghi của ĐBSCL từ hạn mặn lịch sử năm 2016, đã cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong phản ứng chủ động của từng địa phương. Tuy nhiên cũng có những ý kiến đặt ra như Nghị quyết đi vào cuộc sống còn chậm, nguồn lực dành cho ĐBSCL còn chưa nhiều… Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trăn trở cho rằng: những kết quả đã đạt được là đáng mừng nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng và còn nhiều việc phải làm.

Tiếp nối thành công từ Nghị quyết 120, vấn đề đặt ra là cần có những hành động cụ thể nào để ĐBSCL phát triển giàu mạnh, nhanh và bền vững hơn nữa?

Kỳ 1: Nương theo con nước ngọt- mặn trồng lúa- nuôi tôm

Với tâm thế chủ động thích ứng và “sống chung” hài hòa với hạn mặn, người dân miền Tây hôm nay đã dần thích nghi và ứng xử “thuận thiên” trong điều kiện khí hậu biến đổi.

Cù lao Hòa Minh “phơi phới” giữa đôi dòng mặn- ngọt

Sau 30 phút từ bến phà Bãi Vàng, chúng tôi đến cù lao Hòa Minh (Châu Thành- Trà Vinh) bao quanh bởi những rặng dừa nước xanh mát và người dân có cách “sống chung” với hạn- mặn một cách rất ung dung. Như một ốc đảo nằm ở cửa sông Cổ Chiên, vừa giáp Biển Đông nên cù lao Hòa Minh nguồn nước phân chia 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt.

Luôn đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng người dân ở đây không hề sợ mặn, còn chờ mặn về và tận dụng quy luật tự nhiên một cách khoa học. Mà bằng kinh nghiệm, họ tìm cách thích nghi, dùng nước mặn để làm giàu với một quy luật nghe rất đơn giản: “Ngọt trồng lúa, mặn nuôi tôm- cua biển”.

Chia sẻ với chúng tôi về những năm của thập niên 90- cũng một thời lo đau đáu chống hạn mặn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh Nguyễn Thanh Thưởng cho hay: “Cù lao Hòa Minh cách cửa biển 20km.

Khoảng 30 năm trước, ngoài trồng lúa ra người dân không sản xuất gì thêm được. Địa phương cũng có định hướng trồng dừa, lúa, đồng thời có công trình làm đê ngăn mặn, làm cống.

Sau khi thu hoạch lúa, xả nước mặn vào, bà con nhận thấy tiềm năng nuôi trồng thủy sản cao, dần dần đúc kết kinh nghiệm và tìm được đối tượng nuôi phù hợp, chính là con tôm! Từ đây, đời sống người dân cũng thay đổi rõ rệt. Do vậy, dự định ngăn mặn, trữ ngọt bị vỡ kế hoạch”.

Nương theo con nước mặn- ngọt để lên lịch nuôi tôm- trồng lúa, theo ông Nguyễn Thanh Thưởng, cũng chính nhờ linh hoạt trong cách sản xuất: tháng Giêng đến tháng 7- nước mặn thì nuôi tôm sú, thẻ, càng xanh, cua biển.

Những tháng còn lại con nước chuyển dòng ngọt thì trồng lúa, cứ vậy mà làm, hài hòa với thiên nhiên. Các hệ thống đê không ngăn mặn- trữ ngọt, mà làm nhiệm vụ quốc phòng, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con. Nhiều nông dân còn tự tin, nếu so với một số xã đất liền thì “xã đảo” Hòa Minh sống khỏe hơn nhiều.

Năm 2020, thu nhập trung bình là 56 triệu đồng/người/năm, dự kiến đến tháng 8/2021, khi đạt xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập của Hòa Minh lên 60 triệu đồng/người/năm. Từ rất nhiều năm nay, người dân nơi đây đã xem nước mặn đến là cơ hội để làm giàu.

“Nước mặn tới mùa lại lên, nếu đắp, ngăn, chặn thế nào cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chi bằng chọn đối tượng sản xuất phù hợp, không chỉ thuận theo quy luật tự nhiên mà thực tế đã chứng minh đây là mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp”- ông Nguyễn Thanh Thưởng khẳng định.

Thế chủ động biến “nguy” thành “cơ”

Men theo những bờ bao vừa đủ xe máy chạy qua, anh Nguyễn Hữu Ái- Trưởng ấp Đại Thôn B- dẫn chúng tôi cho biết không khí “gạn” tôm càng xanh. 

Theo anh Hữu Ái, ấp có 355 hộ thì có đến 300 hộ nuôi tôm mùa nước mặn. Mùa nào con nấy, sau khi thu hoạch tôm thì người dân chuyển sang trồng lúa, vừa cải tạo môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều ruộng áp dụng “con tôm ôm cây lúa” hoặc thu thêm nguồn lợi từ con tép vào ruộng lúa… đều thu lợi lớn.

Nhờ gắn bó với mô hình tôm- lúa nhiều năm nay mà chú Nguyễn Thành Sương (64 tuổi, ấp Đại Thôn A) nuôi 4 con ăn học thành tài.

Theo chú, bà con bây giờ đã quen với 2 mùa mặn- ngọt. Thời tiết ngày một thay đổi, đầu tháng 11 âl có độ mặn, qua tháng 2 âl độ mặn cao nhất, người dân canh theo con nước, nhìn chim trời để chọn thời điểm thả tôm thích hợp.

Tầm tháng 7 âl, thu hoạch tôm xong, bà con tháo nước, rửa phèn rồi sạ lúa, cứ vậy mà làm tới. Lúa không xịt thuốc, nhẹ phân, dùng phân hữu cơ sinh học, có chất phù sa dinh dưỡng do tôm cua thải ra, vậy mà tốt mịt.

“Nếu trước đây làm đê bao ngăn mặn giữ ngọt trồng dừa sẽ không hiệu quả, bởi 5-7 năm là dừa bị eo cổ, trái nhỏ. Vậy nên nhiều người đã chuyển qua nuôi thủy sản.

Nuôi tôm- trồng lúa thuận theo tự nhiên từ năm 1997. Đến năm 2006, người dân mới nuôi xen lúa, tôm sú, cua biển, từ năm 2015 mới khởi sự nuôi tôm thẻ công nghiệp. Tuy nuôi tôm cũng có khi rủi ro nhưng vụ này bù vụ khác, có thể không giàu re re, phất lên đổi đời liền nhưng bền vững.

Tôi trồng lúa được công ty hỗ trợ giống lại bao tiêu đầu ra, cuối vụ thu hoạch vô mua tận nhà, lấy tiền tươi, khỏe re”- chú Nguyễn Thành Sương nói cái giá trị của tư duy đổi mới nằm ở chỗ “thuận thiên” đó, chớ nếu rập khuôn “ngăn mặn, trữ ngọt, trồng dừa” thì dân khó làm giàu. Bằng chứng là trước đây ấp có đến 30% hộ nghèo, nay chỉ còn 2 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo.

Cũng như chú Sương, nhiều hộ nông dân ở cù lao Hòa Minh đúc kết: “Con người không nên đối nghịch, không phá vỡ thế cân bằng hài hòa vốn có của tự nhiên, mà xem thiên nhiên là người bạn, biết chấp nhận và đón nhận những sản vật mà thiên nhiên ban tặng”.

Trữ ngọt linh hoạt

Thực hiện chủ trương, giải pháp của Đảng và Chính phủ, nhiều địa phương bắt tay vào hành động ứng phó với biến đổi khí hậu “thuận thiên” hài hòa với tự nhiên từ các cấp chính quyền lan tỏa đến nhận thức của người dân.

Thay vì tâm lý sợ mặn rồi chuyển sang hành động chống mặn, người dân đã chủ động biến nguy thành cơ, tận dụng tiềm năng kinh tế từ nước mặn mang lại.

Như tại xã An Định (Mỏ Cày Nam- Bến Tre), ông Lương Văn Phong- Chủ tịch UBND xã An Định- cho biết: “Để sống chung với mặn mấy tháng trời, nhiều nông dân luôn chủ động có những cách làm hay như trữ ngọt trong mương vườn dừa, mang lại hiệu quả thiết thực”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỏ Cày Nam cho rằng: “Thường mặn kéo dài 4 tháng trong năm, từ tháng Chạp đến tháng 3, 4 âl.

Mỏ Cày Nam từ xưa giờ đã sống chung với mặn, nên người dân đã có tâm lý chủ động trữ ngọt”. Ngoài các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư để trữ ngọt phục vụ hơn 1.000ha, người dân còn chung tay để làm hệ thống đê bao cục bộ, chủ động chứa nước trong mương vườn.

Hệ thống đê bao cục bộ của từng nhóm hộ dân nằm trọn trong công trình thủy lợi giúp người dân trữ nước chủ động và có thể “phòng thủ” linh hoạt vòng trong, vòng ngoài trước thời tiết hạn mặn bất thường.

Điều đáng ghi nhận ở các địa phương ĐBSCL là không còn tâm lý chủ quan, mà thay vào đó là sự linh hoạt, biến thách thức thành cơ hội và xâm nhập mặn đã vô tình tạo cho người dân nghĩ ra cách làm mới, thích ứng phù hợp góp phần cải thiện nâng cao nguồn thu nhập.

Song song đó, thời gian qua, cùng với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt, người dân cũng đã dùng các biện pháp thủ công sử dụng tích nước bằng lu, bể, ao chứa; thực hiện tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt.

Đồng thời, người dân cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý phù hợp với điều kiện sản xuất chống hạn mặn, chọn vật nuôi phù hợp, bảo đảm sản xuất hiệu quả mà bền vững.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu

“Thuận thiên” bắt đầu phát huy rất tốt và hiệu quả ngay lập tức từ hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo tồn và phát triển nhiều hơn; hiệu quả sản xuất tăng hơn; không phải tốn quá nhiều chi phí trong ngăn xâm nhập mặn. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều cảm nhận được người nông dân với tâm thế chủ động, vui vẻ, không sợ hạn hán, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi trước kia chúng ta vẫn coi mặn lợ là “kẻ thù” thì nay được coi là tài nguyên. Sự thay đổi trong nhận thức là tiền đề cực kỳ quan trọng để đồng thuận trong xây dựng kế hoạch cho đến thực hiện kế hoạch.

Nếu chúng ta quan niệm để phù hợp với diễn biến tự nhiên, chấp nhận hệ sinh thái nước ngọt ít đi, chúng ta dễ dàng chuyển đổi cơ cấu, phương thức sản xuất và đánh giá sản xuất.

Kỳ sau: Nông nghiệp “thuận thiên” chuyển động mạnh

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ