Trò chuyện khởi nghiệp

Chúng tôi mong muốn đưa "Người nhân tạo" vào nhiều lĩnh vực đời sống

Cập nhật, 14:00, Thứ Năm, 15/04/2021 (GMT+7)

Đầu tháng 4/2021, tại TP Hồ chí Minh, Công ty TNHH Educommerce công bố dự án khởi nghiệp công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sự kiện nhận được sự đón nhận tích cực vì đây là giải pháp chuyển đổi số mang tính đột phá, khả thi. Đặc biệt hơn, nhà sáng lập Educommerce là một người con nhà nông ở Vĩnh Long.

Qua trò chuyện khởi nghiệp, PV Báo Vĩnh Long đã kết nối với nhà sáng lập Educommerce- chị Sam Trương, cùng chia sẻ về dự án này, cũng như mong muốn của “người con nhà nông Vĩnh Long” đóng góp cho nền nông nghiệp trong tương lai.

Đội ngũ khởi nghiệp Educommerce.
Đội ngũ khởi nghiệp Educommerce.

* Chào chị, Công ty TNHH Educommerce vừa công bố dự án công nghệ trí tuệ nhân tạo “Người nhân tạo- Vietnam Digital Humans” vào đầu tháng 4, chị đã chuẩn bị những gì cho sự kiện này và nhận thấy sự đón nhận “Người nhân tạo” như thế nào?

- Đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo của thế giới vào ứng dụng trong thực tiễn đời sống người dùng phổ thông ở nước ta là một thách thức lớn. Đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cao về trí lực, nhân lực và tài chính. Dự án người nhân tạo phải vận dụng theo “triết lý cây tre”, trải qua thời gian nghiên cứu đủ dài và sự kiện vừa qua là thời điểm công bố người nhân tạo chính thức đi vào cuộc sống.

Chúng tôi may mắn nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tiên phong chuyển đổi số bằng “người nhân tạo” điển hình như: nông nghiệp, bất động sản, báo chí, cải lương, ca nhạc, thời trang... Nhìn chung, sự đón nhận giải pháp người nhân tạo có dấu hiệu tích cực vì đây là giải pháp chuyển đổi số mang tính đột phá, khả thi và nếu dự án được triển khai thành công thì sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.

* Chị có thể nói rõ hơn về dự án này, cũng như mục tiêu phát triển trong tương lai?

- Theo dự báo thế giới, đến năm 2025 sẽ có khoảng 95% người dân toàn cầu sử dụng người nhân tạo thay cho chatbots hiện tại. Sự ra đời giải pháp công nghệ người nhân tạo nói tiếng Việt cũng là một hướng đi kịp thời, nhận được đánh giá cao về tinh thần sáng tạo, năng lực sáng tạo vì đã đưa được trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn cuộc sống với hình dáng thân thiện như con người. Người nhân tạo biết nói, cười và biểu đạt cảm xúc trong giao tiếp. Nội dung giao tiếp sẽ được người nhân tạo ghi nhớ và biến thành kiến thức vĩnh viễn. Sau quá trình được huấn luyện và khả năng tự học hỏi và trải nghiệm cuộc sống, người nhân tạo không ngừng tiến hóa theo thời gian.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng thế hệ “người nhân tạo siêu trí tuệ” với kỹ năng tương tác nhạy bén, sâu sắc, biểu đạt đầy đủ cung bậc cảm xúc y hệt một con người và có thể lưu trữ dữ liệu lớn như quyển bách khoa toàn thư truyền tải đến thế hệ mai sau.

* Với rất nhiều mục tiêu lớn, nhưng một công ty vừa gia nhập vào thị trường công nghệ Việt Nam từ năm 2020 có thể nói là còn rất trẻ, có những khó khăn và thuận lợi nào vậy chị?

- Tôi may mắn được làm việc cùng các “sếp công nghệ” trong các tập đoàn đa quốc gia từ rất sớm. Vì thế tôi có cơ hội tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới, những tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng, thẩm mỹ và tính sáng tạo. Điều này giúp cho chúng tôi thuận lợi hơn về chất lượng sản phẩm của mình.

Khó khăn thì nhiều lắm chứ (cười). Như công việc huấn luyện trí tuệ cho người nhân tạo, tạo hình dáng, may quần áo, trang điểm cho người nhân tạo là hoàn toàn mới ở Việt Nam, nguồn nhân lực cho mảng này hầu như không có, chúng tôi phải vừa làm vừa đào tạo, cần thêm một khoảng thời gian nữa mới có thể đủ nguồn nhân lực đi đường dài.

* Vậy đâu là yếu tố hấp dẫn để Educommerce quyết theo đuổi khởi nghiệp lĩnh vực này và lại muốn tạo ra “Người nhân tạo” nói tiếng Việt, thưa chị?

- Đầu tiên là hưởng ứng trước lời kêu gọi “Make in Vietnam” của Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Kế tiếp là sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động kinh doanh và sinh hoạt đều bị đình trệ, ảnh hưởng trầm trọng. Là công ty khởi nghiệp về công nghệ trí tuệ nhân tạo, yêu cầu cấp thiết cần có một giải pháp thiết thực và phù hợp hoàn cảnh hiện tại đã thôi thúc chúng tôi tập trung nguồn lực thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trước thời hạn để đáp ứng các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu chuyển đổi số trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp này.

Người nhân tạo nói tiếng Việt sẽ là một người bạn đồng hành thú vị trong cuộc sống giúp chúng ta vượt qua khó khăn, cô đơn, và thích nghi điều kiện bình thường mới- chính là yếu tố thúc đẩy đội ngũ khởi nghiệp Educommerce có thêm động lực phấn đấu. Nhà sáng lập Educommerce cũng là một người con nhà nông ở Vĩnh Long đó.

Nhà sáng lập Educommerce- chị Sam Trương.
Nhà sáng lập Educommerce- chị Sam Trương.

* À, chị có nhắc tới chi tiết thú vị, nhà sáng lập Educommerce là một người con nhà nông ở Vĩnh Long. Có lẽ cái chất “con nhà nông” khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ có ảnh hưởng ít nhiều đến triển khai dự án và chiến lược phát triển tương lai, phải không?

- Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, với hơn 70% dân số làm nghề nông nên chúng ta phần lớn đều xuất thân là “con nhà nông” mà bạn (cười).

Tôi có điều kiện trải nghiệm cuộc sống nông thôn nên hiểu được nông dân thật sự cần gì, thiếu gì. Tôi đã từng rất tâm đắc khi nghe câu nói “Nông thôn phải là nền tảng phát triển đất nước” nên rất mong muốn được góp phần vào việc chuyển đổi số nông nghiệp. Đưa người nhân tạo vào đời sống nông nghiệp cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà dự án đã đề ra. Muốn việc này thành công, trước nhất phải có một giải pháp công nghệ sử dụng dễ dàng, thân thiện, cùng với sự góp sức của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của người nông dân. Tôi tin khi việc chuyển đổi số này thành công có thể phần nào mang lại chuyển biến tích cực trong nông nghiệp và đời sống nông thôn.

* Vâng, từ thực tế trải nghiệm của mình, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ “con nhà nông” đã và đang có ý định khởi nghiệp, cần quan tâm gì để mạnh dạn bước vào con đường mới mà họ sắp bắt đầu?

- Hiện nay, các nhà khởi nghiệp trẻ chúng ta có nhiều thuận lợi về chính sách cũng như cơ hội. Vì thế các bạn cứ tự tin nhé. Khi bắt tay vào khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, các bạn cần đặt trọng tâm vào việc tìm ra giải pháp hữu ích cho người dùng cuối, nên liên kết với doanh nghiệp có sẵn nguồn lực mà mình còn thiếu. Có như vậy, sẽ tránh được việc đầu tư dàn trải quá lớn lúc ban đầu, tới khi thấy sai sót thì đã lãng phí quá nhiều tiền bạc và công sức.

Cảm ơn chị, chúc dự án gặt hái nhiều thành công.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)