Kết nối giao thông- mở đường phát triển kinh tế

Cập nhật, 05:57, Thứ Năm, 08/04/2021 (GMT+7)

 

Khi có cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần giảm áp lực xe lưu thông qua cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Khi có cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần giảm áp lực xe lưu thông qua cầu Mỹ Thuận hiện hữu.

(VLO) Nhiều dự án giao thông lớn đã, đang và dự kiến triển khai ở ĐBSCL mang đến nhiều niềm vui cho người dân và được kỳ vọng mở đường phát triển nền kinh tế.

Cao tốc về đồng bằng

Đầu tháng 1/2021, người dân tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp háo hức đón tin vui Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, giai đoạn 1 đã khởi công.

Công trình cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với ĐBSCL, phát huy tính kết nối giao thông từ TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ dài khoảng 23km đi qua huyện Châu Thành (Đồng Tháp); TP Vĩnh Long, Long Hồ, Bình Tân, TX Bình Minh (Vĩnh Long), với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường là 32,25m.

Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc thiết kế là 80 km/h. Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022.

Đây là 1 trong 5 tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ với tổng chiều dài 190km. Đó là cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương dài 40km, đưa vào sử dụng năm 2010 và đang đề xuất mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe.

Cao tốc Bến Lức- Long Thành (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai) dài 55km, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài hơn 51km và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang, Vĩnh Long) dài 6,6km hoàn thành năm 2023, kết nối tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, tổng chiều dài 6,6km.

Thời gian qua, ĐBSCL đã hoàn thành các dự án trọng điểm như: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối từ Cao Lãnh đến Kiên Giang. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) còn có một số dự án như: xây dựng cao tốc nối TP Cà Mau- Cần Thơ và cao tốc nối Châu Đốc- Long Xuyên- Cần Thơ và Sóc Trăng…

Mở đường băng cho đồng bằng “cất cánh”

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định giao thông được mệnh danh là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế- xã hội sẽ phát triển theo.

Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016- 2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển GTVT của khu vực ĐBSCL.

Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ.

Thứ nhất, điều chỉnh lại quy hoạch GTVT trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021- 2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng. Thứ hai, tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.

Kế hoạch đầu tư công 2021- 2025 đối với ngành GTVT tại vùng ĐBSCL, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng. Hy vọng đến 2025, GTVT của vùng ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững.

Trong khi đó, về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Bộ GTVT đã phối hợp với 13 tỉnh thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu có 5 gói thầu gồm: gói XL.01, XL.02, XL.03A, XL.03B và gói XL.04. Trong đó, gói thầu XL.03A (giá trị 595 tỷ đồng) thực hiện thi công cọc khoan nhồi và bệ các trụ nhịp chính (trụ tháp) dây văng, từ trụ T14 đến T17.

Báo giaothong.vn, ngày 6/4, dẫn lời ông Khuất Quang Huy- Giám đốc điều hành dự án gói thầu XL03A cho biết, sau gần 7 tháng thi công nhưng mới đạt 5% khối lượng công việc. Việc thi công gói thầu XL03A chậm do thay đổi công nghệ thi công cọc khoan nhồi để thực hiện trụ nhịp chính dây văng cho phù hợp với địa chất tại đây. Đồng thời, nhà thầu cũng huy động nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại và nhân lực thi công liên tục 3 ca/ngày để đảm bảo kịp tiến độ.

Cầu Mỹ Thuận 2 có quy mô lớn thứ 2, từ thiết kế, thi công đến quản lý và nguồn vốn... 100% là do người Việt Nam thực hiện, sau cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre. Về kỹ thuật, cầu Mỹ Thuận 2 có quy mô tương đương cầu Mỹ Thuận hiện hữu nối Tiền Giang và Vĩnh Long, nhưng có mặt cắt ngang rộng hơn.

Bài, ảnh: LÝ AN