Thích ứng hạn- mặn từ khâu chọn giống

Cập nhật, 05:34, Thứ Ba, 02/03/2021 (GMT+7)

 

Lựa chọn giống lúa thích ứng với hạn- mặn để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Lựa chọn giống lúa thích ứng với hạn- mặn để nâng cao hiệu quả sản xuất.

(VLO) Ngành nông nghiệp tỉnh vừa đề xuất những giống lúa năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn- mặn ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Đáp ứng 76% nhu cầu giống lúa

Thời gian qua, tình trạng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lúa cũng như trên các loại cây trồng khác tại tỉnh Vĩnh Long. Để hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra thì công tác giống đóng vai trò rất quan trọng, do đó cần định hướng bộ giống cây trồng chủ lực thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Tỉnh Vĩnh Long xác định cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực với tổng diện tích xuống giống hàng năm khoảng 180.000ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Long Hồ và vùng sản xuất lúa tròn (ML 202) tập trung phục vụ nhu cầu chế biến tại huyện Mang Thít.

Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, hàng năm mỗi vùng sản xuất cần xác định 4- 5 giống lúa chủ lực và 3- 4 giống bổ sung. Tuy nhiên trên thực tế, các giống được sử dụng với tỷ lệ cao là OM5451, OM18, Đài thơm 8, ML202, IR50404.

Đặc biệt giống OM5451 được nông dân sử dụng nhiều nhất, trong khi 2 giống Đài thơm 8 và OM18 chỉ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Bên cạnh, giống ML202 cũng đang có xu hướng phát triển mạnh.

Ngoại trừ 2 giống IR50404 và ML202 là giống chất lượng thấp mà ngành chuyên môn khuyên sử dụng không quá 20% diện tích tại mỗi vùng sản xuất thì các giống còn lại tuy có nhiều khả năng phát triển như OM 5451, OM 18, Đài thơm 8 nhưng đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong công tác giống.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT), tình trạng không chia sẻ tác quyền giống của các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng mua bán trao đổi giống không có nguồn gốc, từ đó làm giảm chất lượng và hiệu quả canh tác giống của người dân.

Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa hàng hóa, thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất lúa.

Theo đó, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và thực hiện các dự án để sản xuất lúa giống như: đầu tư xây dựng hệ thống nhân giống và hỗ trợ sản xuất giống lúa nguyên chủng quy mô 325ha, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần quy mô 350ha, cùng nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, dạy nghề…

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống nhân giống gồm 46 cơ sở và Trại Lúa giống tỉnh (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp).

Tổng quy mô sản xuất 690ha, trong đó diện tích sản xuất lúa nguyên chủng 85ha, sản xuất mỗi năm 1 vụ, sản lượng khoảng 425 tấn/năm. Lúa xác nhận 605ha, sản xuất 3 vụ/năm, năng suất bình quân 5 tấn/ha, sản lượng 9.075 tấn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 220 cơ sở kinh doanh lúa giống với khả năng cung ứng hàng năm khoảng 7.000 tấn. Như vậy, với năng lực sản xuất và cung ứng giống lúa của hệ thống nhân giống và các cơ sở kinh doanh giống lúa thì nhu cầu về giống lúa trên toàn tỉnh được đáp ứng 76% nhu cầu.

Giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Hàng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh thực hiện công tác khảo nghiệm, chọn tạo nhằm tìm ra những giống mới từ viện, trường phù hợp với điều kiện canh tác tại Vĩnh Long để nông dân trong tỉnh có nguồn giống để lựa chọn.

Số lượng, chủng loại giống đã khảo nghiệm, trình diễn giai đoạn 2016- 2020 là 240 giống. Qua 10 vụ khảo nghiệm, đã tuyển chọn và đề xuất bộ giống thích hợp sản xuất trên địa bàn tỉnh gồm 8 giống chủ lực năng suất cao, 15 giống lụa chịu mặn, 7 giống chịu hạn và một số giống khác có tiềm năng phát triển.

Để việc sản xuất lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trước mắt về cơ cấu giống, trung tâm giống nông nghiệp tỉnh đề xuất cần tiếp tục bố trí các giống lúa chủ lực và đang được canh tác phổ biến tại tỉnh để gieo trồng tại các vùng ít ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như OM18, OM6976, OM7347,… Đối với giống lúa thơm và cao sản như Đài thơm 8, Jasmine 85, OM4900,… chỉ nên bố trí sản xuất vụ Đông Xuân.

Bên cạnh cần quan tâm sử dụng các giống chịu mặn tốt của Viện Lúa ĐBSCL mới được công nhận lưu hành và khuyến cáo sử dụng như: OM344, OM429, OM375, OM22, OM380, OM384, OM11375,… trong đó qua thực tế khảo nghiệm tại các địa phương 2 giống OM429 và OM344 rất thích nghi và phù hợp.

Về lâu dài, cần có chính sách đầu tư nghiên cứu phối hợp với các viện, trường chọn tạo hoặc nhận chuyển giao bộ giống lúa có phẩm chất tốt, thích ứng với từng vùng sinh thái trên địa bàn mang thương hiệu Vĩnh Long, tiến tới xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ giống LH8 sớm được công nhận lưu hành giống để bố trí sản xuất trên những vùng bị ảnh hưởng hạn- mặn của tỉnh nhất là trong vụ Đông Xuân, bởi giống lúa này rất thích nghi và cho hiệu quả cao nhất trên vùng nhiễm mặn.

Hiện giống LH8 đã được Cục Trồng trọt công nhận là giống sản xuất thử (7/2019) và đang xem xét thực hiện giai đoạn 2 để công nhận lưu hành giống.

Đề xuất bộ giống thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu tại tỉnh Vĩnh Long gồm bộ giống chủ lực năng suất, chất lượng cao: OM5451, OM4900, OM6976, OM7347, OM6162, OM18, Jasmine 85, Đài thơm 8.

Bộ giống lúa chịu mặn gồm các giống có thời gian sinh trưởng từ 85- 110 ngày như: OM5464, OM359, OM232, OM5166, OM9916, OM9921, OM9584, OM9577, OM9579, OM429, OM18, OM11735, OM380, OM108, OM284. Các giống này có khả năng chịu mặn trong điều kiện nhân tạo ở nồng độ muối từ 4- 6‰, cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bộ giống lúa chịu hạn: gồm các giống lúa OM7347, OM5464, OM6162, OM7398, OM7364, OM8928, OM6677. Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 85- 110 ngày, có khả năng chịu khô hạn từ cấp 1 đến cấp 3 (ở giai đoạn mạ và giai đoạn trỗ), năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bộ giống có tiềm năng phát triển gồm nhóm giống ST (của tác giả Hồ Quang Cua), bên cạnh các giống có khả năng chịu mặn tốt do nông dân ở các địa phương chọn tạo như AG1, LH8, TC7, ND4. Tuy nhiên các giống này hiện đang gặp khó khăn trong mở rộng diện tích sản xuất do chưa được cấp phép lưu hành giống theo quy định.

Bài, ảnh: THÀNH LONG