Thủy điện thượng nguồn giảm xả nước bắt đầu tác động tới ĐBSCL

Cập nhật, 15:10, Thứ Ba, 26/01/2021 (GMT+7)

 

Việc giảm xả nước thủy điện thượng nguồn bắt đầu tác động đến ĐBSCL từ 25/1/2021, ngành chuyên môn khuyến cáo trữ nước chậm nhất đến ngày 7/2.
Việc giảm xả nước thủy điện thượng nguồn bắt đầu tác động đến ĐBSCL từ 25/1/2021, ngành chuyên môn khuyến cáo trữ nước chậm nhất đến ngày 7/2.

(VLO) Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, việc đập thủy điện Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông Mekong giảm xả nước từ ngày 5- 24/1/2021 đã chính thức có tác động đến ĐBSCL từ 25/1/2021 và mặn ở ĐBSCL lên cao nhất sẽ diễn ra từ ngày 8- 16/2/2021.

Bản tin dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Trung Quốc giảm xả nước từ thủy điện xuống hạ lưu từ ngày 5- 24/1/2021, còn khoảng 1000 m3/s, giảm 904 m3/s so với trước đó.

Việc giảm xả thủy điện kéo dài 20 ngày sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, dự báo hết ảnh hưởng ra đến biển tới 25/2/2021 và mặn lên cao nhất từ ngày 8- 16/2/2021, đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Độ mặn 4‰ có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 50- 70km. Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, các địa phương vùng ĐBSCL tăng cường các giải pháp tích nước vào hệ thống kinh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác chậm nhất đến ngày 7/2/2021 nhằm hạn chế thiệt hại do đợt mặn tăng cao từ ảnh hưởng của giảm xả nước thủy điện thượng nguồn.

Từ 17- 23/1/2021, mực nước đầu nguồn cao hơn cùng thời kỳ năm 2020 lần lượt là 0,24m và 0,25m. Tại trạm Cần Thơ (sông Hậu), mực nước cao nhất là 1,56m, cao hơn cùng thời kỳ năm trước là 0,21m, mực nước thấp nhất là -0,67m, cao hơn cùng thời kỳ năm trước là 0,32m.

Tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), mực nước cao nhất là 1,46m, cao hơn cùng thời kỳ năm trước là 0,16m, mực nước thấp nhất là -1,06m, cao hơn cùng thời kỳ năm trước là 0,21m. Độ mặn lớn nhất tại các nơi xuất hiện ở mức 0,1- 2,8‰.

Theo ông Trương Hoàng Giang- Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, hiện nay độ mặn đang có xu hướng tăng lên theo kỳ triều cường rằm tháng Chạp. Độ mặn lớn nhất tuần này (đến 30/1/2021) chủ yếu ở mức nhỏ hơn 8‰.

Cụ thể như sau: cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) 5,5- 6,5‰, Tích Thiện 3- 4‰, Quới An 0,5- 1,5‰, Trà Ôn 0,5- 1‰, vàm rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) 0- 0,5‰, Đồng Phú 0- 0,5‰, Ngã Tư (xã Hựu Thành) 1- 1,5‰.

Ảnh hưởng từ việc giảm xả nước thủy điện thượng nguồn, mặn sẽ lên cao nhất từ ngày 8- 16/2/2021 trùng dịp Tết Nguyên đán. Trong ảnh: Hạn- mặn trùng dịp Tết Nguyên đán vào mùa khô 2015- 2016 đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, dân sinh.
Ảnh hưởng từ việc giảm xả nước thủy điện thượng nguồn, mặn sẽ lên cao nhất từ ngày 8- 16/2/2021 trùng dịp Tết Nguyên đán. Trong ảnh: Hạn- mặn trùng dịp Tết Nguyên đán vào mùa khô 2015- 2016 đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, dân sinh.

Độ mặn lớn nhất xuất hiện tại cống Nàng Âm vào ngày 28/1, các trạm còn lại xuất hiện vào ngày 30/1. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh ở cấp độ 1.

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin: số liệu đo mặn cập nhật lúc 7 giờ ngày 25/1/2021 của văn phòng thường trực cho thấy độ mặn tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) lên mức 3,4‰; độ mặn tại các trạm còn lại như sau: Quới An 0,2‰, Trà Ôn 0,1‰, Tích Thiện 0,7‰, Ngã Tư (xã Hựu Thành- Trà Ôn) 0,5‰, vàm rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) 0,1‰.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn để có phương án phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn.

Dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ từ nay đến cuối tháng 1/2021, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra nhận định xu thế xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019- 2020.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 10- 15/2 và từ 26/2- 2/3) và tháng 3 (từ 12- 16/3 và 25- 29/3). Tình hình xâm nhập mặn còn phụ thuộc vào nguồn nước thượng nguồn, triều cường và những biến động trong thời gian tới.

Hiện mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong giảm dần. Mực nước ở các trạm hạ lưu ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,6m, tại Châu Đốc là 1,7m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,25- 0,35m.

Tuần cuối của tháng 1/2021, xu thế xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng dần và đạt mức cao nhất vào những ngày cuối tháng nhưng vẫn thấp hơn độ mặn cao nhất vào tháng 1/2020. Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có phạm vi xâm nhập 40- 48km phía sông Cổ Chiên, Hàm Luông và 35- 45km phía sông Hậu.

Bài, ảnh: THÀNH LONG