Tăng cường giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Cập nhật, 07:47, Thứ Năm, 21/01/2021 (GMT+7)

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, trong năm 2020, tuy tình hình kinh tế- xã hội khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng hoạt động ngân hàng ổn định, các chỉ số hoạt động của ngành vẫn duy trì tăng trưởng về nguồn vốn hoạt động, dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ được kiểm soát trong mức cho phép.

Cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm 47%/tổng dư nợ.
Cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm 47%/tổng dư nợ.

Kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Đánh giá của NHNN chi nhánh Vĩnh Long cho thấy, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản xuất công nghiệp, các ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống suy giảm, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng nên tổng sản phẩm trên địa bàn không đạt kế hoạch đề ra.

Ngành ngân hàng tập trung triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, trong đó trọng tâm trực tiếp là các chính sách của ngành ngân hàng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, đồng thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đó tổng dư nợ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 là 4.446 tỷ đồng, với 5.600 khách hàng, trong đó có 198 DN dư nợ 2.531 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 280 khách hàng với dư nợ 331 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi cho 1.052 khách hàng với dư nợ 1.167 tỷ đồng. Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19, lũy kế đã giải ngân được khoảng 3.602 tỷ đồng cho 1.466 khách hàng kể từ 23/1/2020.

Các chính sách hỗ trợ khách hàng vay bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng và đã hỗ trợ kịp thời cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giảm hỗ trợ tích cực cho khách hàng vay vốn.

Đến 31/12/2020, số dư nguồn vốn huy động đạt 42.234 tỷ đồng, tăng 2.997 tỷ; dư nợ đạt 34.136 tỷ đồng, tăng 5.600 tỷ đồng (+19,71%) so với năm 2019. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 18.794 tỷ đồng, tăng 22,17%; dư nợ trung, dài hạn đạt 15.342 tỷ đồng, tăng 16,83%. Dư nợ cho vay tăng khá vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay vốn lưu động sản xuất kinh doanh của DN.

Cùng với đó, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, các giao dịch thanh toán qua internet banking, mobile banking tăng cao… dần làm thay đổi thói quen trong thanh toán của người dân. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi suất; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo NHNN Vĩnh Long, hoạt động ngành ngân hàng trong năm 2020 cũng có một số hạn chế, như chênh lệch số dư nguồn vốn huy động so với dư nợ cho vay còn cao; cho vay lĩnh vực liên kết, theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao gặp khó trong việc tăng mức cho vay. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức cho phép nhưng có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng

Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, năm 2021, kế hoạch tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 5,5% so năm 2020, dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát khoảng 4%, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn từng bước phục hồi và phát triển sẽ là điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, NHNN Vĩnh Long cũng dự báo vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức ảnh hưởng như: xâm nhập mặn đến sớm, tình hình dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng tình hình tài chính, hoạt động của DN nên tiềm ẩn sự gia tăng nợ xấu. Hơn nữa, sự chuyển dịch dòng tiền ngân hàng sang các lĩnh vực đầu tư khác do lãi suất huy động giảm; sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin đang đặt ra thách thức đối với hoạt động thanh toán và công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng.

Từ những nhận định đó, năm 2021, ngành ngân hàng Vĩnh Long chú trọng nhiệm vụ kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN, nhất là chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho xây dựng nông thôn mới.

Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tăng cường kết nối, đối thoại giữa ngân hàng và khách hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân và DN phục vụ sản xuất kinh doanh…

Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- đánh giá cao kết quả nổi bật của ngành ngân hàng năm 2020, thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, DN. Đồng thời, các tổ chức tín dụng đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Quang Trung, trong năm 2021 những khó khăn như: dịch bệnh, thiên tai, hạn mặn… sẽ còn kéo dài, do đó phải vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch hiệu quả. “Ngành ngân hàng cần phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc xử lý nợ xấu. Thực hiện chặt chẽ các chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay DN, người dân, ngành nghề ưu tiên.

Đồng thời tạo điều kiện cho các hợp tác xã, DN nhỏ và vừa, DN mới thành lập, DN khởi nghiệp… tiếp cận nguồn vốn vay phát triển. Đây cũng là cách góp phần phát triển kinh tế, vừa thực hiện mục tiêu kéo giảm chênh lệch giữa nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay”- ông Lê Quang Trung lưu ý.

Chỉ tiêu năm 2021 của ngành ngân hàng Vĩnh Long: Tăng trưởng số dư nguồn vốn huy động 10%; tăng trưởng dư nợ cho vay đạt 12% so với năm 2020 và tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%/tổng dư nợ.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC