Cùng nông dân làm nông sản sạch

Cập nhật, 07:28, Thứ Sáu, 01/01/2021 (GMT+7)

 

Vợ chồng ông Đoàn Văn Tài bên các sản phẩm làm từ gạo của hợp tác xã.
Vợ chồng ông Đoàn Văn Tài bên các sản phẩm làm từ gạo của hợp tác xã.

(VLO) Những ngày tết, mỗi gia đình đều cần có cơm gạo ngon cùng các loại bánh, trà, rượu… để dâng cúng tổ tiên và thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà. Xã hội phát triển, mọi người ngày càng chú trọng đến sức khỏe và có xu hướng dùng sản phẩm sạch, an toàn.

Hiểu được điều này, ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (ấp Kinh, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã nghiên cứu thành công quy trình trồng lúa thảo dược, sản xuất trà gạo thảo dược, rượu gạo thảo dược… Xuân Tân Sửu 2021, hợp tác xã tung ra thị trường giỏ quà tết với các sản phẩm từ gạo hữu cơ cùng những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.

Là một dược sĩ, ông Tài đã rẽ hướng làm nông nghiệp sạch và thành công trong việc nâng cao giá trị hạt gạo, liên kết, hợp tác để tổ chức lại sản xuất và làm nông một cách bài bản. Ông là 1 trong số 63 nông dân tiêu biểu trong cả nước được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.

Làm nông nghiệp sạch từ 1kg lúa tím

Là người đầu tiên trong 6 tỉnh sông Tiền trồng lúa thảo dược, ông Tài cho biết, do từng làm ở ngành y tế nên ông hiểu rõ những tác hại của việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Vì vậy, ông đã mày mò nghiên cứu cách làm nông nghiệp hữu cơ của người Nhật.

Năm 2011, lên mạng nghiên cứu, thấy có giống lúa thảo dược ở tỉnh Nghệ An, ông Tài đặt mua 1kg lúa giống về trồng. Đây là giống lúa tím dài ngày, hạt gạo cứng, phải ngâm trước khi nấu. Bước đầu, do chưa nắm kỹ thuật, chưa có phân chuồng, chưa xử lý nấm phát sinh nên bệnh hại nhiều...

Sau thời gian mày mò nghiên cứu và được các nhà khoa học hỗ trợ, ông đã nắm được kỹ thuật canh tác. Song, phải mất gần 4 năm sau mới thành công trong việc đưa quy trình sản xuất lúa theo hướng sử dụng phân hữu cơ và dùng các chế phẩm sinh học thay thuốc hóa học.

Ông Đoàn Văn Tài: Trong quá trình làm nông và thành lập hợp tác xã, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các ngành, các cấp như: đầu tư máy cấy, xây nhà kho, dây chuyền xay gạo, máy tách màu gạo, thiết kế bao bì, nhãn mác, chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, mã vạch… nhờ vậy mà phát triển nhanh.

Ông Tài cũng đã chọn ra dòng lúa ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, kháng bệnh, năng suất cao, hạt gạo mềm…

Song, ông lại gặp khó khi tiêu thụ vì lúc đó còn khá lạ với mọi người. Để “gỡ rối”, vợ chồng ông đã hướng dẫn cách chế biến và sử dụng gạo thảo dược. Đồng thời, đem kiểm tra chất lượng gạo và hàm lượng dinh dưỡng.

Theo ông Tài, do sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nên gạo đảm bảo an toàn, ngoài nấu cơm ăn, có thể rang làm trà uống, xay thành bột làm sữa gạo có tác dụng hỗ trợ tim mạch, huyết áp, khớp và giảm cân,…

Dùng thử thấy hiệu quả, mọi người đã rủ nhau sử dụng. Ngoài ra, ông còn đem chào hàng ở hội chợ nên dần dần nhiều người đến đặt hàng.

Góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà

Năm 2016, ông Đoàn Văn Tài vận động 7 nông dân tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa sạch (diện tích 6ha). Ông còn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân các tỉnh với mong muốn “lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp sạch và cùng phát triển”.

Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sinh học giúp giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mang lại hiệu quả cao… nên thu hút nhiều người tham gia.

Một năm sau, ông Tài tập hợp những nông dân cùng chí hướng thành lập Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt do ông làm giám đốc với 15 thành viên và diện tích sản xuất 11,5ha.

Đến nay, hợp tác xã có 65 thành viên với tổng diện tích 100ha, trong đó 65ha khép kín sản xuất hoàn toàn bằng hữu cơ sinh học. Qua đây, góp phần cùng xã Trung Ngãi thực hiện thành công tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Gần đây, ông còn vận động và thành lập Liên hiệp hợp tác xã Lúa gạo Vĩnh Long (diện tích 500ha) thông qua việc tập hợp các hợp tác xã chuyên sản xuất lúa trong tỉnh với mong muốn “cùng bà con vươn lên và đóng góp cho nền nông nghiệp tỉnh nhà”.

Đến nay, đã cải tạo đất để đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học. Việc áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sinh học ngoài hiệu quả xã hội thân thiện với môi trường, còn cho lợi nhuận cao gấp 1,5- 2 lần so trồng lúa thông thường. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, anh Đoàn Văn Tư cùng vợ là chị Huỳnh Thị Quắn (ấp Kinh) đã giao đất cho hợp tác xã sản xuất. Với 3,5 công, mỗi vụ anh chị được trả 7 triệu đồng.

Anh Tư cho biết: Trước đây tui làm như “lúa cũ đổi lúa mới”, giờ có tiền ổn định lại còn được hợp tác xã thuê làm việc. Ngày làm 8 tiếng, lương trả mỗi tuần, nhờ vậy mà “sắm sửa trong nhà, tết nhất có tiền lì xì cho con cháu”.

Bà Lê Thị Nga- vợ ông Tài- phụ trách kinh doanh, sổ sách của hợp tác xã cho biết: Công việc của hợp tác xã thì có mỗi ngày nên tạo được thu nhập ổn định cho xã viên.

Nhờ vậy, bà con có điều kiện sắm sửa, ăn tết sung túc hơn. Tết Tân Sửu 2021, hợp tác xã còn gói giỏ quà gồm các sản phẩm của hợp tác xã là trà thảo dược, rượu thảo dược và bánh “cặp đôi hạnh phúc”… cùng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh để giới thiệu sản phẩm của Vĩnh Long đến với mọi nhà.

Bước sang năm mới, ông Đoàn Văn Tài còn có ý tưởng mới là sẽ đưa cây đậu nành rau trồng luân canh với lúa thảo dược để cải tạo đất và nâng cao thu nhập. Hợp tác xã còn dự kiến sẽ sản xuất thêm cốm gạo, bún, hủ tiếu… Song, “cần phải chờ thời cơ chín muồi”- ông Tài cười tươi.

Đến nay, ông Tài đã hoàn thiện quy trình sản xuất từ nguyên liệu cho đến thu hoạch, chế biến đóng gói sản phẩm gạo hữu cơ. Ngoài dòng gạo trắng, còn có sản phẩm độc quyền là gạo thảo dược. Ông Tài cũng đã làm gia tăng giá trị hạt gạo thông qua sản xuất các sản phẩm trà gạo thảo dược (dạng hạt và túi lọc), bột dinh dưỡng gạo thảo dược và sữa chua gạo tím thảo dược. Trong đó, sản phẩm gạo sản xuất theo hướng hữu cơ được chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long và thương hiệu xuất sắc 3 miền…

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI