Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Cập nhật, 05:52, Thứ Năm, 17/09/2020 (GMT+7)

Việc chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, chuyển đổi thị trường mới; các dự án đưa vào vận hành những tháng đầu năm cũng như dự án dự kiến hoạt động vào cuối năm sẽ giúp chỉ số công nghiệp cả năm tăng khoảng 4%.

Công ty TNHH Bo Hsing hoạt động ổn định.
Công ty TNHH Bo Hsing hoạt động ổn định.

Đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình hạn mặn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch COVID-19 diễn biến nhanh, tác động hầu hết đến lĩnh vực kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Trong đó, việc xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tiếp tục bị ảnh hưởng lớn từ các thị trường cố định.

Đặc biệt, một số ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất của tỉnh như: giày da, may mặc… giảm khá mạnh so cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2020 giảm 4,37% so với cùng kỳ. Nhiều ngành công nghiệp có mức sản xuất giảm mạnh như: sản xuất đồ uống giảm 36,11%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 24,34%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 20,03%…

Một số ngành vẫn duy trì được đầu ra ổn định nên có mức sản xuất tăng khá như: sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 84,5%; ngành dệt tăng 39,59%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,48%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,81%…

Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đầu tư vào hạ tầng và các dự án thứ cấp các khu công nghiệp.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đầu tư vào hạ tầng và các dự án thứ cấp các khu công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đã nỗ lực xoay xở để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Qua rà soát cuối tháng 5 của ngành thuế, do tác động dịch bệnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Có 198 DN chấm dứt, ngừng hoạt động kinh doanh; 3.570 hộ kinh doanh có đơn yêu cầu ngừng hoạt động. Toàn tỉnh có trên 1.182 DN bị thiệt hại, chiếm 43% tổng DN đang hoạt động, trong đó có 417 DN thiệt hại 70% doanh thu trở lên, 313 DN thiệt hại từ 30- 70% và 452 DN thiệt hại dưới 30%. Tổng doanh thu thiệt hại là trên 2.400 tỷ đồng, tương đương 4,6% GRDP toàn tỉnh.

Bà Bùi Thị Cẩm Tú- Giám đốc Công ty TNHH Bo Hsing (chuyên may áo khoác lông vũ, túi ngủ, áo Jacket tại Khu Công nghiệp Hòa Phú) cho biết, ảnh hưởng dịch bệnh nên đơn hàng xuất sang Châu Âu của công ty giảm khoảng 15%.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất cũng như việc làm của người lao động.

Theo bà Bùi Thị Cẩm Tú, do đánh giá tác động của dịch bệnh là rất lớn nên công ty đã chủ động nhập nguyên liệu từ trước nên không xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu.

Mặt khác, nhờ chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là thực hiện đầy đủ các phúc lợi để giữ chân công nhân, đã tạo niềm tin để họ yên tâm sản xuất.

Vì vậy, đến nay, 36 chuyền với hơn 2.000 công nhân của công ty vẫn hoạt động ổn định.

Theo UBND tỉnh, việc chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, chuyển đổi thị trường mới; các dự án đưa vào vận hành những tháng đầu năm cũng như dự án dự kiến hoạt động vào cuối năm sẽ giúp chỉ số công nghiệp cả năm của tỉnh tăng khoảng 4%.

Và để đạt chỉ tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nắm chặt, sâu sát hoạt động của các DN, ngành nghề, địa bàn để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho một số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hoạt động trong thời điểm dịch bệnh theo Chỉ thị 11/CT- TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, hỗ trợ DN khắc phục sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; kịp thời thông tin, hỗ trợ DN đón đầu các lợi ích ngay khi Hiệp định EVFTA được thông qua.

Tập trung nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đầu khuynh hướng dịch chuyển của DN FDI đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng phải khẩn trương phục hồi các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Hỗ trợ các DN tham gia chương trình kích cầu tiêu dùng, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa.

Khuyến khích người dân, DN đổi mới hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại theo hướng trực tuyến, điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành và chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các chính sách cho vay bình ổn thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đến nay, ngân hàng đã 2 lần thực hiện điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành; giảm trần lãi suất huy động bằng VNĐ đối với các kỳ hạn gửi dưới 6 tháng từ 0,6- 0,75 %/năm; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1 %/năm…

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG