Hè Thu được mùa, Thu Đông nhiều kỳ vọng

Cập nhật, 11:59, Thứ Ba, 08/09/2020 (GMT+7)

 

Lũ thấp, lúa Thu Đông được đặt nhiều kỳ vọng. Trong ảnh: Nông dân có lời ở vụ lúa Hè Thu.
Lũ thấp, lúa Thu Đông được đặt nhiều kỳ vọng. Trong ảnh: Nông dân có lời ở vụ lúa Hè Thu.

Vụ lúa Hè Thu khép lại, nông dân có lời vì được mùa và giá bán ổn định ở mức cao. Mùa lũ năm nay dự báo đến muộn và ở mức thấp nên vụ lúa Thu Đông cũng được nhiều kỳ vọng.

Lúa Hè Thu nông dân có lời

Vụ Hè Thu rồi, 6 công đất của ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) có thời điểm bị thiếu nước do ruộng nằm xa kinh nội đồng. Đầu vụ, lúa ông “èo uột phát rầu”, nhưng nhờ chăm sóc tốt cộng với thời tiết tương đối thuận lợi nên cuối vụ lúa cũng đạt năng suất khá với trên 3,5 tấn, tính ra cũng có lời khá.

Gần đó, ruộng anh Lê Văn Đạt cũng cho thu hoạch với năng suất khá vụ Hè Thu rồi. Anh Đạt kể, có thời điểm anh chủ quan bơm nước vào ruộng rồi mới hay thông báo độ mặn lên nên anh cũng rất lo. May là ruộng anh không ảnh hưởng gì đáng kể.

Với phần 5 công ruộng anh là đất gò, trước giờ làm lúa năng suất cũng không cao. Vậy mà năm nay, anh thu hoạch được trên 2,7 tấn cũng là được lắm rồi.

Hiện tại lúa vụ Hè Thu đã thu hoạch dứt điểm với diện tích 48.298ha, năng suất trung bình 5,9 tấn/ha, sản lượng đạt 285.345 tấn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long), giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu của tỉnh là 3.792 đ/kg.

Trong đó, giá thành sản xuất lúa nhóm giống chất lượng cao là 3.776 đ/kg và lúa chất lượng thấp là 3.946 đ/kg.

Tính tại thời điểm cuối tháng 7/2020, giá lúa khô chất lượng cao thu mua trên thị trường là 5.800 đ/kg
và lúa IR 50404 là 5.600 đ/kg.

Hiệu quả kinh tế của nhóm lúa chất lượng cao (12.747.000 đ/ha) đạt được cao hơn so với nhóm lúa chất lượng thấp (10.533.000 đ/ha) là 2.214.000 đ/ha. Tính trung bình trên địa bàn toàn tỉnh, người dân canh tác lúa sẽ đạt được lợi nhuận 12.017.000 đ/ha.

Lũ thấp, kỳ vọng vụ lúa Thu Đông

Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL có khả năng thiếu hụt từ 20- 35% so với trung bình nhiều năm vào đầu mùa khô 2020- 2021.
Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL có khả năng thiếu hụt từ 20- 35% so với trung bình nhiều năm vào đầu mùa khô 2020- 2021.

Tính đến thời điểm hiện tại, lúa Thu Đông toàn tỉnh đã xuống giống 44.345ha đạt hơn 94% so với kế hoạch. Trà lúa Thu Đông sớm bắt đầu thu hoạch 15ha, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Mùa lũ năm 2020 dự báo ở mức thấp là cơ hội tốt để nông dân đầu tư cho vụ lúa Thu Đông này.

Vừa qua, Tổng cục Khí tượng- Thủy văn (Bộ Tài nguyên- Môi trường) đưa ra nhận định tình hình mùa lũ năm 2020 cũng như cảnh báo nguy cơ thiếu hụt dòng chảy mùa khô năm 2020- 2021 ở ĐBSCL

. Theo đó, hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên chậm. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,08m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,12m, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5- 1,1m và cao hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,45- 0,6m.

Tổng lượng mưa tháng 9/2020 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 10/2020 đến 2/2021, tổng lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15- 30%. Trong những tháng mùa khô tại ĐBSCL, khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa.

Dự báo đỉnh lũ năm nay tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (báo động 1) và xuất hiện muộn, mực nước đỉnh lũ năm 2020 có khả năng xảy ra từ ngày 10- 20/10.

Mực nước tại các trạm thủy văn vùng hạ nguồn sông Cửu Long sẽ lên theo triều. Đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là TP Cần Thơ và Vĩnh Long.

Tổng cục Khí tượng- Thủy văn cũng đưa ra dự báo vào những tháng đầu mùa khô 2020- 2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL có khả năng thiếu hụt từ 20- 35% so với trung bình nhiều năm.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ có khả năng sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019- 2020.

Từ những nhận định trên, Tổng cục Khí tượng- Thủy văn khuyến nghị các địa phương ĐBSCL cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống và đề phòng trường hợp diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn trở nên phức tạp hơn, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Bài, ảnh: THÀNH LONG