9X bỏ việc về quê làm nông nghiệp sạch

Cập nhật, 06:17, Thứ Năm, 02/04/2020 (GMT+7)

Giữa vườn ruộng mênh mông ở xã Tường Lộc (Tam Bình) mọc lên một nhà lưới; trong đó, những giàn dây dưa leo thẳng đứng xanh um, trái chi chít nhìn “đã con mắt”. Đó là vườn dưa leo trồng theo quy trình nông nghiệp sạch của chàng trai sinh năm 1992- Phan Nhựt Thanh.

Anh Thanh muốn mang nông sản sạch đến mọi người.
Anh Thanh muốn mang nông sản sạch đến mọi người.

Bỏ công việc ổn định về trồng rau

Ra trường có việc làm ổn định với thu nhập khá nhưng Nhựt Thanh luôn trăn trở khát vọng làm nông nghiệp sạch. Khi để dành được một số vốn, Thanh quyết định về quê thực hiện đam mê của mình.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Cửu Long, Phan Nhựt Thanh có 2 năm làm việc trong ngành thực phẩm và 4 năm làm ở công ty bảo vệ thực vật. “Thời gian làm ở công ty bảo vệ thực vật đã cho tôi nhiều mối quan hệ, có thêm nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ mới và tích lũy được một số vốn… tôi quyết định bỏ công việc về lập nghiệp”- anh Thanh nói.

Với diện tích 1.500m2, anh Thanh đầu tư 600 triệu đồng cải tạo đất và xây dựng nhà màng, hệ thống tưới. Sau đợt đầu tiên thử nghiệm với dưa lưới, anh Thanh chuyển sang trồng dưa leo Maya Israel.

Vườn dưa leo đẹp ngút ngàn.
Vườn dưa leo đẹp ngút ngàn.

Theo anh Thanh, với diện tích trên, anh trồng 3.800 dây dưa leo, gấp 3 lần mật độ so với gieo trồng bên ngoài. Tuy nhiên chi phí bỏ ra khá đắt, 10 hạt giống có giá 1 USD, phải dùng phân hữu cơ với trung bình tiền phân mỗi ngày khoảng 500.000đ.

Dưa leo trồng khoảng hơn 1 tháng là có thể thu hoạch, năng suất mỗi dây cho khoảng 5kg, vậy cả vườn sẽ cho năng suất 15 tấn. Nếu so với dây dưa leo thường không trồng trong nhà màng thì chỉ cho 2- 2,5 tấn.

Anh Thanh cho biết: “Thử nghiệm trồng dưa leo sạch thấy ham lắm, lá to, trái nhiều, nếu trồng năng suất cao như ở Israel thì có thể thu hoạch lên đến 6 tháng, mỗi dây hơn 20kg”.

Đôi tay thoăn thoắt cho những trái dưa leo tươi xanh vào túi, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh- vợ anh Thanh- cười, cho biết: “Chồng làm gì tôi cũng ủng hộ, dù bỏ ra chi phí cao nhưng cố gắng là được. Làm gì cũng được, có chí, hổng làm biếng là được”.

Đưa nông sản sạch đến mọi người

Con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi, cây cho trái tốt nhưng đầu ra lại bấp bênh, dưa leo lại là loại phải thu hoạch mỗi ngày.

Thanh xót xa kể: “Ngày thường bán khoảng 15.000- 20.000 đ/kg, còn thời điểm dịch COVID-19 thế này thì chỉ còn 10.000 đ/kg, bằng dưa leo chợ. Mới mấy hôm trước, dội hàng nên lái điện xuống không lấy nữa. Vợ chồng tôi phải chở gần 800 ký dưa leo đi bán xổ, bán mà đau lòng đứt ruột”.

Thu nhập không cao và tâm huyết mình bỏ ra không được đón nhận, người tiêu dùng chỉ thấy dưa đẹp thì thích chứ không biết mình đang ăn dưa leo sạch.

Bán đồng giá như dưa leo trồng bình thường thì giá trị của dưa sạch chưa được nâng tầm xứng đáng. Đó là trăn trở của những người làm nông nghiệp sạch hiện nay.

Một khó khăn khác với những mô hình nhỏ như anh Thanh là không đủ để cung cấp cho hệ thống các siêu thị và không có người để liên kết mở rộng quy mô.

Anh Thanh cho biết, canh tác trong nhà màng chỉ tập trung chủ yếu ở Đà Lạt và một số nơi có diện tích lớn để chủ động đầu ra. “Trồng một mình thì khá khó khăn.

Chúng tôi đã có lời đề nghị từ Bách Hóa Xanh, nhưng quy định phải cung cấp đủ số lượng dưa hàng ngày, trồng nhỏ lẻ và sẽ có khoảng thời gian đứt lứa thì không thể ký hợp đồng được”- anh Thanh cho biết.

Chị Trinh nâng niu từng trái dưa leo, chuẩn bị cân cho lái.
Chị Trinh nâng niu từng trái dưa leo, chuẩn bị cân cho lái.

Anh Thanh thở dài: “Trái dưa đến tay người dùng được đội giá lên gấp đôi ba lần”. Nếu muốn “ra biển lớn” tiến vào các siêu thị phải có sự liên kết, tìm những người cùng trồng lập thành một hội, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đăng ký quy chuẩn chất lượng và đảm bảo nguồn cung đầy đủ.

Dường như những khó khăn trên nằm trong tầm dự đoán của chàng trai trẻ, anh luôn sẵn sàng cho những dự định tương lai. Anh Thanh cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ trồng đa dạng loại cây như cà chua, dưa leo, dưa lưới để luân phiên thu hoạch và luôn có sản phẩm bán.

“Chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ và chờ được công nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm. Thời gian tới sẽ lập thương hiệu, tiến hành phân phối qua các kênh bán hàng online”- anh Thanh cho hay.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, anh Thanh khuyến khích mọi người đến nhà màng tham quan, được công bố các chỉ số phân thuốc, kim loại nặng… để yên tâm.

Sáng cắt thì trưa, chiều giao hàng, khoảng 4- 5 tiếng là thực phẩm tới tay người tiêu dùng, họ chẳng cần ra ngoài nhưng lại dùng được đồ
tươi sạch.

Trong những năm qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng, góp phần tăng năng suất, sản lượng, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng bền vững vì nhu cầu sản phẩm sạch là tất yếu trong thời gian tới, tuy nhiên không chỉ người nông dân có nhiều tâm huyết, dám theo đuổi mà cũng cần có sự chung tay giúp sức, liên kết giữa những người nông dân với nhau và liên kết với các sở ban ngành để thương hiệu có thể trụ vững trong lúc đầy khó khăn này.

Theo anh Phan Nhựt Thanh: Trồng cây trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.

Bài, ảnh: HUYỀN THÚY