Thanh long: chông chênh đầu ra

Cập nhật, 13:58, Thứ Ba, 03/03/2020 (GMT+7)

Là loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao, chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, tuy nhiên, thời gian qua, đầu ra của thanh long luôn là bài toán khiến nông dân đau đầu. Thêm vào đó, giá cả bấp bênh, thời tiết thất thường, dịch bệnh ảnh hưởng,… khiến người trồng càng thêm lo lắng.

Thanh long đang ở mức giá cao, nông dân lời khá.
Thanh long đang ở mức giá cao, nông dân lời khá.

Giá lao dốc rồi lại tăng vụt

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá thanh long hết lao dốc từ vài chục ngàn đồng/kg giảm còn 3.000- 5.000 đ/kg, sau đó lại tăng vèo lên 30.000- 40.000 đ/kg. Điều này khiến nông dân vừa mừng, vừa lo bởi giá cả biến động “không biết đâu mà lường”.

Theo nhiều nông dân trồng thanh long, hiện giá thanh long ở mức khá cao, nông dân có lời tuy nhiên nhiều nhà vườn không còn thanh long để bán hoặc còn số lượng ít do đợt tuột giá vừa rồi, nhiều người đã bán chạy chợ. Một số người nản không chăm sóc, chong đèn nên giờ giá tăng lại “tiếc hùi hụi”.

Anh Phan Văn Thạnh- Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Song Phú (xã Song Phú- Tam Bình) cho hay: Hợp tác xã hiện có gần 30ha trồng thanh long. Thời gian qua, giá cả thanh long lên xuống thất thường, nhiều người trồng lo lắng nên bỏ bê, không còn chăm sóc như trước nên sản lượng cũng giảm hơn.

Như 2 tuần trước, giá thanh long lao dốc, nhiều người phải bán đổ, bán tháo hết chợ này đến chợ kia với giá 3.000- 5.000 đ/kg.

Mọi năm trước, nông dân nhờ mùa nghịch sau tết vì giá cao hơn mùa thuận. Tuy nhiên năm nay rớt giá còn thấp hơn giá mùa thuận. Thêm vào đó thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh nhiều khiến sản lượng trái cũng giảm hơn trước.

Trong khi đó, “trúng mánh” vì ngay đợt giá cao, anh Lưu Văn Mười (Ấp 7, xã Hậu Lộc- Tam Bình) dẫn chúng tôi xem vườn thanh long rộng 3,5ha, hớn hở khoe: “Tôi trồng thanh long được 6 năm rồi, thanh long thường có 3 vụ đèn, 4 vụ thuận.

Thời điểm này là “mùa đèn”, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với mùa thuận vì chong đèn trái đều hơn, tuy nhiên chi phí cũng tăng hơn. Hôm trước ảnh hưởng dịch bệnh, giá thanh long rớt tính đâu là phải hái bỏ rồi. Như vườn kế bên, đợt trái ngay lúc rớt giá chỉ bán được 5.000- 6.000 đ/kg.

Cả vườn 15 tấn trái mà chỉ bán được có 90 triệu đồng, lỗ nặng rồi. Cũng hên là tôi trúng ngay đợt giá lên. Giờ thương lái đến thu mua tận vườn, tôi bán giá “hàng cào” 23.000 đ/kg, chứ không lựa toàn loại 1, 2, 3 như trước. Giá vậy cũng có lời nhiều rồi”.

Theo anh Mười, thương lái thu mua tại chỗ thì ít hao, ít nhót hơn lại đỡ tốn công vận chuyển. “Mấy hôm nay giá lên thương lái điện thoại suốt. Nhưng sản lượng không có nhiều như trước. Như 2 ngày tới thương lái tới cắt 5 tấn rồi vài ngày nữa mới có hàng bán tiếp”- anh Mười cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 200ha trồng thanh long, trong đó, tháng 3 sẽ thu hoạch 159ha. Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, sau tết, mọi năm nhiều mặt hàng nông sản như khoai lang, sầu riêng, thanh long, dưa hấu,… thường bị ùn ứ do chịu ảnh hưởng chung.

Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến vấn đề lưu thông gặp khó khăn hơn. Địa phương có diện tích trồng thanh long nhiều là Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn. Thanh long có thể được xử lý cho trái nhiều đợt trong năm nên có thời điểm lời nhưng cũng lắm lúc lỗ.

Chông chênh đầu ra

Nhiều người trồng thanh long lâu năm cho hay, thanh long trồng từ 8- 12 tháng là cho trái, thời gian từ khi vô đèn đến khi thu hoạch là khoảng 80 ngày, tuy nhiên, hiện tại cũng khó trồng hơn trước, nắng thì vàng bẹ, mưa thì bị bệnh đốm, thối bẹ. Tuy nhiên, vẫn không đáng lo bằng vấn đề đầu ra.

Anh Nguyễn Minh Chánh- cán bộ nông nghiệp- xây dựng xã Hậu Lộc (Tam Bình) cho hay, toàn xã hiện có khoảng 45ha trồng thanh long, trong đó diện tích trồng theo quy trình GlobalGAP là 26ha.

Thời gian qua, thanh long là loại nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa cho nhiều nhà vườn. Tuy nhiên, giá thanh long thay đổi thất thường, thêm vào đó chi phí đầu tư lớn nên người dân không ồ ạt trồng như trước đây nữa.

Vườn thanh long trồng theo quy trình sản xuất sạch của anh Mười đang cho trái tốt.
Vườn thanh long trồng theo quy trình sản xuất sạch của anh Mười đang cho trái tốt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Liêm cũng cho biết, thanh long là loại trái cây có vốn đầu tư nặng, “tay ngang” không trồng được mà phải có kỹ thuật trồng. Thời gian gần đây, nông dân không còn mở rộng diện tích trồng mới thanh long nữa do giá cả bấp bênh, nông dân sợ thua lỗ.

Theo nhiều người, trồng theo quy trình sạch, an toàn tuy năng suất không cao nhưng đảm bảo được chất lượng trái, an tâm hơn.

Ông Lưu Văn Chính- Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hậu Lộc (xã Hậu Lộc- Tam Bình) cũng cho hay, sau khi giảm giá mạnh thì giá thanh long đã tăng trở lại, nông dân đã có lời khá. Thời gian tới, để ổn định đầu ra, hợp tác xã cũng đang tiếp tục vận động các hộ nông dân trồng theo quy trình sạch,
an toàn.

Chuyển sang trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, anh Lưu Văn Mười cho biết: “Nhờ trong theo quy trình GlobalGAP 1 năm nay nên chất lượng trái luôn ổn định, không bị dạt mạnh tay như trước. Hiện vườn của tôi bán trung bình được khoảng 22.000 đ/kg, có khi bán được 40.000- 50.000 đ/kg”.

Thiết nghĩ, để đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng được mùa mất giá, nông dân cần có sự liên kết trong sản xuất, phải thành lập các tổ hợp tác sản xuất theo mô hình sản xuất sạch, an toàn để có số lượng hàng hóa đạt chuẩn chất lượng an toàn cung cấp đầy đủ cho thị trường.

Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc từ phía các ngành chức năng trong việc hỗ trợ nông dân, hợp tác xã về hướng dẫn quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết tìm đầu ra, kết nối cung cầu,…

Anh Phan Văn Thạnh chia sẻ: Hợp tác xã đang tìm đường liên kết với các hệ thống phân phối trong nước, các đầu mối, doanh nghiệp tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định hơn cho trái thanh long. Song, đến nay việc hợp tác bán hàng nội địa vẫn còn nhiều trở ngại.

Trong khi đó, vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, còn xuất khẩu sang các nước khác thì thủ tục khó, rườm rà, tiêu chuẩn khắt khe mà số lượng “ăn hàng” cũng không nhiều. Do đó, bên cạnh sự tự nỗ lực thì hợp tác xã rất mong muốn được hỗ trợ từ phía các ngành chức năng.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Đối với những mặt hàng nông sản đang rớt giá, nông dân nên chăm sóc bình thường, không nên “thúc” quá, nhưng cũng không nên bỏ lơi. Chẳng hạn như thanh long, không phải là ngưng sản xuất mà giảm lại, hạn chế lại, như lúc giá thấp không nên chong đèn, đừng xử lý ra hoa, chờ qua dịch bệnh.

Bài, ảnh: THẢO LY