Nghị sỹ EP: Việt Nam là đối tác đáng tin cậy và cởi mở

Cập nhật, 10:15, Thứ Năm, 13/02/2020 (GMT+7)

Nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) Geert Bourgeois,nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất và tự do thương mại nhất trong khu vực ASEAN.

Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp). (Nguồn: TTXVN phát)
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp). (Nguồn: TTXVN phát)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Strasbourg, Pháp, nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) Geert Bourgeois, báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng với kết quả bỏ phiếu tại phiên toàn thể của EP.

Ông Bourgeois nhấn mạnh rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới “đầy đủ nhất và tham vọng nhất” mà lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) ký kết với một nước đang phát triển.

Mô hình này dựa trên các cuộc đàm phán giữa các đối tác bình đẳng, cùng có chung mục tiêu và các giá trị chung, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, chống đói nghèo và đẩy mạnh cải cách thể chế.

Ông Geert Bourgeois khẳng định hiệp định này “hướng đến một quan hệ đối tác cùng có lợi.”

Nghị sỹ đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh và có sức cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng cùng lực lượng lao động trẻ và năng động.

“Đây là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất và tự do thương mại nhất trong khu vực ASEAN,” ông khẳng định.

Hiệp định là một bước quan trọng để EU tiến đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập khu vực thương mại tự do giữa EU và ASEAN. Theo ông, cùng với các hiệp định tương tự đã ký kết với Nhật Bản và Singapore, EVFTA thắt chặt liên kết giữa EU và châu Á trong bối cảnh các quan hệ thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc đang bị lung lay.

Sau khi có hiệu lực, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích cho cả hai phía EU và Việt Nam.

Dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và chiều ngược lại sẽ tăng thêm hàng chục tỷ euro.

Nghị sỹ trên nhấn mạnh “mỗi tỷ euro xuất khẩu sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm.” Bên cạnh đó, hiệp định cam kết bảo vệ quyền cơ bản của người lao động và môi trường. Hiệp định sẽ trở thành một phương thức khuyến khích sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân.

Ông Geert Bourgeois cho biết, trong quá trình đàm phán hiệp định với chính phủ Việt Nam, ông đã gặp gỡ và làm việc với các đối tác đáng tin cậy và rất cởi mở.

Để đạt được sự đồng thuận, ông đã thông báo rất rõ ràng những yêu cầu từ phía EU, cũng như từ phía các nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu.

Ông nhấn mạnh “đã theo dõi sát sao các bước tiến triển” trong việc soạn thảo và ký kết hiệp định. Ông khẳng định rằng đề nghị của EU về việc thành lập các ủy ban kiểm soát hỗn hợp giữa Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam được phía Việt Nam chấp thuận.

EU cũng nhận được sự ủng hộ của Việt Nam trong việc cho phép các cơ quan độc lập theo dõi các bước tiến triển của hiệp định.

Nghị sỹ hoan nghênh các đối tác Việt Nam “đã thực sự mong muốn đạt được kết quả tốt cho cả hai bên, do đó họ đã làm mọi điều có thể để hiệp định được thông qua và đi vào triển khai”./.

Theo Linh Hương-Toàn Trí (TTXVN/Vietnam+)