Chăn nuôi heo- cần bước đi chuyên nghiệp

Cập nhật, 05:14, Thứ Sáu, 24/01/2020 (GMT+7)

Có thể nói, con heo đã trải qua một năm Kỷ Hợi khá nhọc nhằn. Tết này, ăn miếng thịt heo kho rệu vẫn béo thơm ngầy ngậy, nhưng để đến được bàn ăn ngày tết chắc hẳn nó đã trải qua bao sự tính toan cung- cầu, thời giá và cả lo âu may rủi trước nguy cơ dịch bệnh.

Chăn nuôi heo chưa bao giờ là dễ dàng. Do vậy, trong năm mới này, ngành chăn nuôi cần những bước đi chắc chắn hơn để vượt qua những khó khăn của năm cũ.

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh tiếp tục được chú trọng thực hiện.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh tiếp tục được chú trọng thực hiện.

“Vận hạn” không ngơi

Sau thời gian phải “giải cứu” khi giá heo tuột dốc chưa từng có trong nhiều năm, chỉ còn hơn 20.000 đ/kg heo hơi (thời điểm tháng 4/2017), thì sang đầu năm 2019, con heo lại bị “giáng đòn” chí mạng: bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF)!

Dù đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, song đàn heo của anh Phạm Văn Tân (xã Phú Quới- Long Hồ) cũng không tránh khỏi đòn đau. Chỉ sau vài ngày phát bệnh ASF, cả đàn heo của anh Tân “ra đi” và để lại cho anh một khoản nợ nần.

Anh Tân thở dài: “Ai ngờ dịch bệnh xâm lấn nhanh và thiệt hại nhiều như vậy. Dù đã lường trước và đã thực hiện hết các biện pháp phòng dịch trong khả năng nhưng cũng không thoát nổi, giờ phải làm lại từ đầu!”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), tính đến cuối năm 2019, bệnh ASF đã làm thiệt hại khoảng 10% tổng đàn heo toàn tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh tiêu hủy khoảng 34.400 con heo nhiễm bệnh ASF, trọng lượng trên 2.000 tấn của trên 1.300 hộ thuộc 104 phường- xã.

May mắn vượt qua “tâm bão” ASF, anh Lư Văn Quốc (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết, cũng nhờ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh mà đàn heo của anh đến nay vẫn an toàn.

Công tác kiểm soát dịch bệnh được ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Công tác kiểm soát dịch bệnh được ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Hiện, trại heo của anh Quốc còn 10 heo nái và 85 heo thịt, trọng lượng từ 30- 70kg. Chưa kể lứa heo anh vừa xuất chuồng an toàn ngay trong vùng dịch bệnh ASF hoành hành với giá bán khá cao.

Được vậy, nhưng anh Quốc vẫn cho là do mình may mắn chứ dịch bệnh này khó mà chừa hộ chăn nuôi nào. Không ít hộ nuôi heo bị bệnh ASF tấn công, phải tiêu hủy cả đàn, dù sau khi đã áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi nhưng khi thả nuôi trở lại heo vẫn bị bệnh tái phát.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: “Thường chỉ có những trang trại chăn nuôi lớn mới quan tâm đến chất lượng giống và khép kín quy trình chăn nuôi. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không mấy quan tâm đến vấn đề này nên dịch bệnh thường bùng phát và lây lan”.

Tái đàn heo: cần chuyên nghiệp!

Anh Đồng Ngọc Quí (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) đã có kinh nghiệm 10 năm nuôi heo trên đệm lót sinh học. Cùng với việc đầu tư chuồng trại, áp dụng các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc xin phòng dịch, chế độ dinh dưỡng hợp lý nên trại heo của anh Quí đã vượt qua hầu hết các đợt dịch bệnh mà nhiều hộ phải treo chuồng như: lở mồm long móng, tai xanh và kể cả dịch bệnh ASF lần này.

Có một chi tiết nhỏ ở khâu thiết kế chuồng trại mà anh Quí tâm đắc là máng ăn, máng uống cho heo được anh thiết kế khá cao so với nền đệm lót, để lúc heo ăn, uống phải chồm lên.

Và đó là cách mà anh muốn đàn heo phải vận động nhiều hơn, heo khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, chắc thịt, nở đùi. Với cách làm này, heo anh nuôi chưa đầy 4 tháng đã đạt từ 130- 140kg.

Năm mới, ngành chăn nuôi heo cần vững bước để vượt qua khó khăn.
Năm mới, ngành chăn nuôi heo cần vững bước để vượt qua khó khăn.

Trang trại của anh Quí hiện có hơn 100 con heo thịt. Anh vừa xuất chuồng 20 con với giá 6,2 triệu đồng/tạ, tổng thu gần 150 triệu đồng. Số heo còn lại anh vẫn tự tin chăm sóc, nuôi dưỡng, an toàn vượt qua dịch bệnh để bán vào dịp tết.

Câu chuyện của anh Quí cũng rất đáng quan tâm khi bài toán tái đàn heo chưa thể có đáp án chung. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh ASF chỉ mới tạm lắng dịu và chưa có vắc xin phòng ngừa. Nếu người chăn nuôi tái đàn theo hướng không an toàn thì nguy cơ tái dịch rất cao.

Theo ông Lê Thanh Tùng, tái đàn đang đặt ra thách thức cho cả người chăn nuôi và cơ quan quản lý. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo chỉ nên nuôi thử nghiệm, không nên nuôi ồ ạt.

Đặc biệt, người chăn nuôi phải nhận diện cho được con đường mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại và dựng hàng rào sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi của mình, không tái đàn may rủi.

Ông Lê Thanh Tùng khẳng định: “Đây là thời điểm thích hợp để cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo. Hiện nay, nuôi heo nhỏ lẻ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Muốn nuôi heo, người chăn nuôi phải thay đổi thái độ, nhận thức nuôi, sau đó hãy nghĩ đến chuyện tái đàn và nhất thiết phải là người chăn nuôi heo chuyên nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Trước tình trạng khủng hoảng chăn nuôi heo do bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngành chăn nuôi đã có kế hoạch tìm nguồn thực phẩm thay thế như việc chuyển sang chăn nuôi vật nuôi khác như dê, bò, cá, gà, vịt,... Tuy nhiên, việc làm này đòi hỏi người chăn nuôi phải có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi mới an toàn, hạn chế dịch bệnh và rủi ro. Riêng người tiêu dùng hãy bình tĩnh trước thông tin thiếu hụt nguồn cung thịt heo, có thể tìm thêm các loại thực phẩm khác để sử dụng trong dịp tết, không để lệ thuộc vào thịt heo.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn được xem là giải pháp giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy vậy, chăn nuôi quy mô lớn chỉ làm giảm rủi ro và ngăn ngừa dịch bệnh với điều kiện áp dụng an toàn sinh học, quản lý tốt khu chăn nuôi, đảm bảo dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ. Cơ sở hạ tầng chăn nuôi quy mô lớn cũng giúp các biện pháp an toàn sinh học được thực hành dễ dàng hơn.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYÊN