Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối, xuất khẩu khoai lang Bình Tân

Cập nhật, 06:11, Thứ Sáu, 06/12/2019 (GMT+7)

Đó là chủ đề hội thảo diễn ra chiều 5/12/2019, tại huyện Bình Tân. Năm 2019, Bình Tân xuống giống 12.900ha khoai lang, năng suất trung bình 30 tấn/ha, ước tổng sản lượng 387.000 tấn. 

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ khoai lang mở ra cơ hội tiêu thụ cho nông sản này.
Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ khoai lang mở ra cơ hội tiêu thụ cho nông sản này.

Đến nay, Bình Tân có 221ha khoai lang sản xuất theo hướng VietGAP và 14,8ha được chứng nhận sản xuất theo hướng GlobalGAP. Khoai lang Bình Tân đã có nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận.

Tuy nhiên đến nay, 86% sản lượng khoai lang Bình Tân xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thông qua 4 hợp tác xã và hơn 40 điểm thu mua khoai lang của huyện và TX Bình Minh.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu khoai lang.

Theo đó, cần nghiên cứu hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý và bảo quản khoai lang, cơ giới hóa, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ khoai lang, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm này ở nội địa và xuất khẩu.

Đặc biệt là điều kiện xuất khẩu chính ngạch là có truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng, chứng nhận kiểm dịch và các yêu cầu về bao gói, nhãn mác. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, hướng dẫn canh tác, đầu tư hạ tầng…

Các thành viên trong chuỗi liên kết cần tuân thủ các thỏa ước, đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận trong quá trình sản xuất, tiêu thụ và phân phối xuất khẩu khoai lang.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, với những nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu, khoai lang Bình Tân có nhiều triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tin, ảnh: LÊ SƠN