Kiểm soát tái đàn ngăn dịch bệnh

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 24/12/2019 (GMT+7)

Theo BCĐ Phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) tỉnh Vĩnh Long, hiện dịch bệnh này đang giảm mạnh nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao. Do đó, bên cạnh công tác phòng chống dịch thì việc kiểm soát tái đàn cũng là yêu cầu cấp thiết nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, giảm thiệt hại.

Việc tái đàn cần được giám sát chặt chẽ trước sức hút của giá heo đang tăng cao.
Việc tái đàn cần được giám sát chặt chẽ trước sức hút của giá heo đang tăng cao.

Dịch bệnh giảm mạnh

Theo BCĐ Phòng, chống dịch bệnh ASF tỉnh Vĩnh Long, ngày 20/5/2019, ổ dịch ASF đầu tiên xuất hiện tại Phường 8 (TP Vĩnh Long) với đàn heo 22 con gồm 9 heo thịt và 13 heo rừng lai.

Tính đến ngày 18/12/2019, sau 7 tháng kể từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên, hiện bệnh ASF đã xảy ra tại 104 xã- phường trong toàn tỉnh với 1.426 hộ có heo mắc bệnh, tiêu hủy 35.057 con heo, tổng trọng lượng hơn 2.100 tấn.

Số lượng heo tiêu hủy chiếm 10% tổng đàn so với thời điểm 1/4/2019. Tổng đàn heo toàn tỉnh hiện còn khoảng 200.000 con.

Qua theo dõi, thời điểm dịch bệnh xảy ra nhiều nhất vào tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2019. Cao điểm có ngày tiêu hủy 1.078 con heo, 29 hộ có heo bệnh được phát hiện trong 1 ngày.

Từ cuối tháng 9 đến nay, bệnh ASF đã giảm mạnh, đến tháng 12/2019, có nhiều ngày liên tiếp không có ổ dịch nào phát sinh.

Hiện toàn tỉnh có 89 xã có dịch đã qua 30 ngày (chiếm 85,6% số xã có dịch) và 38 xã tái phát dịch. Tính đến ngày 17/12/2019, toàn tỉnh có 27 xã- phường (thuộc TP Vĩnh Long, TX Bình Minh và Vũng Liêm) đã công bố hết dịch.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, nguyên nhân bệnh ASF giảm là do việc điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp từng thời điểm của ngành chuyên môn.

Cùng đó, người chăn nuôi áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh. Hiện số lượng lớn heo thịt đã xuất chuồng, heo nái sau sinh chưa phối giống lại, người nuôi chưa tái đàn sau dịch nên mật độ chăn nuôi giảm cũng góp phần làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tuy dịch bệnh đã giảm nhiều nhưng theo ông Lê Thanh Tùng, nguy cơ tái phát dịch trong năm 2020 vẫn còn cao, vì hiện còn rất nhiều hộ nuôi heo trong tỉnh chưa đảm bảo được điều kiện an toàn sinh học cấp độ cao để phòng chống sự xâm nhập của vi rút ASF.

Trong khi mầm bệnh này vẫn còn tồn tại trong môi trường, khó bài trừ triệt để và có thể tiếp tục tấn công vào những đàn heo mới. Tình hình tái đàn hiện nay cũng rất khó kiểm soát trước sức hút của giá heo đang tăng đột biến.

Kiểm soát tái đàn

Hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi đã giảm nhưng nguy cơ tái phát vẫn cao. Trong ảnh: Nuôi heo trên đệm lót sinh học góp phần ứng phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi đã giảm nhưng nguy cơ tái phát vẫn cao. Trong ảnh: Nuôi heo trên đệm lót sinh học góp phần ứng phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch trong thời gian tới, BCĐ Phòng, chống dịch bệnh ASF xác định rõ mục tiêu là ngăn chặn dịch bệnh lây lan và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Theo đó, ngành chuyên môn chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, tuyên truyền về thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi heo cũng như tổ chức các tháng hành động tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi để giảm áp lực của mầm bệnh.

Toàn tỉnh đã tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và vùng uy hiếp với 10.992 lít hóa chất và 321 tấn vôi bột. Lập các chốt kiểm soát ra vào vùng dịch và duy trì hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch ra vào tỉnh. Thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch 7.742 lượt, trong đó 138 lượt tại cơ sở thu gom heo, 29 lượt phương tiện vận chuyển, 386 lượt đối với hoạt động giết mổ, 55 lượt tại cơ sở chăn nuôi và 7.134 lượt tại các quầy thịt, qua đó xử lý vi phạm 140 vụ, số tiền phạt trên 324 triệu đồng.

Công bố hết dịch đối với các xã có dịch đã qua 30 ngày. Hướng dẫn tái đàn, quản lý đàn và đề xuất các dự án khôi phục, phát triển đàn heo trong năm 2020, 2021.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó BCĐ Phòng, chống dịch bệnh ASF tỉnh, BCĐ các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc.

Bên cạnh chú trọng công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng thì việc tái đàn phải đảm bảo các điều kiện và cần được giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

Đến nay, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có công văn chỉ đạo việc tăng cường công tác kiểm soát tái đàn để phòng chống dịch ASF.

Cụ thể, thời điểm tái đàn sau dịch quy định 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo, sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Cơ sở từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi, sau khi tái đàn được 30 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính với ASF mới tái đàn với số lượng có thể lên đến 100%.

Đối với cơ sở tiếp nhận heo nằm trong vùng dịch phải là cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, có quy trình thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Riêng tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm thì việc vận chuyển ra vào vùng dịch trong địa bàn cấp tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF.

Trường hợp heo từ tỉnh khác, ngoài yêu cầu trên heo phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn, đồng thời thực hiện thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển heo về địa phương.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư heo giống chất lượng cao, đầu tư lắp đặt các công trình khí sinh học, thực hiện định kỳ tháng hành động vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và đẩy mạnh liên kết để mở rộng mạng lưới cung cấp tinh heo cho người nuôi heo nái sinh sản.

Đã hỗ trợ trên 58,4 tỷ đồng cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy

Theo Sở Tài chính, tính đến ngày 19/12/2019, kinh phí tạm ứng từ ngân sách tỉnh cho địa phương trên 58,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí đã chi hỗ trợ cho hộ chăn nuôi trên 58,4 tỷ đồng. Hiện nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ cho hộ chăn nuôi, mua vật tư, trang thiết bị, nhân công, vận chuyển heo,… phục vụ xử lý ổ dịch cũng như kinh phí hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên 12,2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG