Phát triển kinh tế tập thể- phải xuất phát từ nhu cầu của người dân

Cập nhật, 16:20, Thứ Sáu, 18/10/2019 (GMT+7)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) mới đây đã đánh giá KTTT, hợp tác xã (HTX) dù thành công bước đầu nhưng sự phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, cần có giải pháp đồng bộ để khu vực này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Nghị quyết 13-NQ/TW (18/3/2002) là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về kinh tế tập thể góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Nghị quyết 13-NQ/TW (18/3/2002) là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về kinh tế tập thể góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Chính sách chưa hiệu quả

Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật HTX (năm 2012) được thông qua, khu vực KTTT, mà nòng cốt là HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50- 80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp. Tính đến 31/12/2018, cả nước có 22.861 HTX, tăng 3.700 HTX, so năm 2013; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; doanh thu bình quân một HTX là 4,48 tỷ đồng/năm, tăng 1,9 tỷ đồng.

Luật HTX năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tại Vĩnh Long, KTTT, HTX những năm gần đây tiếp tục củng cố để nâng chất lượng hoạt động. Một số HTX đã phát triển thêm thành viên, vốn hoạt động, nâng cao năng lực quản lý điều hành của bộ máy quản trị, qua đó hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập đời sống các thành viên và người lao động được nâng lên.

Trong 6 tháng đầu năm nay, đã thành lập mới 10 HTX, nâng tổng số HTX toàn tỉnh hiện có trên 160 và 1 liên hiệp HTX với trên 8.000 thành viên, gần 7.800 lao động. Bên cạnh, toàn tỉnh hiện có 1.225 tổ hợp tác, trên 51.450 thành viên. Hoạt động của các tổ hợp tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn vốn, đất đai, tiếp cận được các thông tin khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung cả nước, KTTT, HTX hiện trên địa bàn cũng còn nhiều tồn tại, yếu kém, quy mô nhỏ, một số HTX, tổ hợp tác sản xuất chưa thực hiện tốt các khâu dịch vụ cho tổ viên,…

Điều này, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ việc thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả. Việc quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả; tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, chưa xứng với tiềm năng; mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu.

Tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi

Có nhiều nguyên nhân mà tại hội nghị đã chỉ rõ, là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển; nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của nghị quyết…

Còn thực tế, HTX ở nông thôn còn yếu kém, quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế. Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) cho biết: HTX hiện có 100ha sản xuất lúa, trong đó hàng năm có vài chục hecta sản xuất lúa hữu cơ, tự xay gạo, đóng gói và bán ra thị trường.

Nhờ có thương hiệu, HTX đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ. Dù vậy khó khăn lớn nhất HTX hiện nay là trình độ xã viên còn yếu cho nên hiệu quả chưa cao; một số nơi đơn vị thu mua không thực hiện theo hợp đồng- đây cũng là khâu khó khăn nhất trong thực hiện chuỗi liên kết.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là gì? Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, thể chế pháp luật bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hộ thành viên chưa được tốt, dẫn đến tư tưởng hoài nghi sự minh bạch của chính sách, về hoạt động, về sự an toàn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng sâu đến tâm lý các chủ thể kinh tế.

Vì vậy, thời gian tới Thủ tướng nêu rõ, cần giải pháp để kinh tế tập thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và xác định phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức HTX và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và của cả nước. Đặc biệt, đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” và phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” phải tiếp tục được quan tâm cụ thể hơn đối với HTX, đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên và cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về xã hội và lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn. Dẫn dắt sự phát triển phong trào HTX theo phương châm ngắn gọn: “khuyến khích, hỗ trợ, học hỏi và truyền bá”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG