Chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang đồng hành, kiến tạo

Cập nhật, 08:19, Thứ Sáu, 18/10/2019 (GMT+7)
Tạo ra các sản phẩm đặc trưng của tỉnh từ thế mạnh địa phương là “mối quan tâm” chung của cộng đồng doanh nhân và của tỉnh.
Tạo ra các sản phẩm đặc trưng của tỉnh từ thế mạnh địa phương là “mối quan tâm” chung của cộng đồng doanh nhân và của tỉnh.

Tại buổi họp mặt doanh nhân mới đây, lãnh đạo tỉnh đã có buổi tọa đàm với đại diện Hội Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tìm giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến về các cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, tận dụng thế mạnh địa phương…

Kỳ vọng của doanh nhân, doanh nghiệp

Công ty đã gắn bó với Vĩnh Long 25 năm, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- thương mại Phước Thành IV- cho rằng: Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là giao thông cả thủy lẫn bộ.

Tuy nhiên, hạ tầng hiện chưa theo kịp nhu cầu của nhà đầu tư. Thời gian qua, thu hút đầu tư rất lớn nhưng chưa tương xứng tiềm năng… Mặt khác, ông Nguyễn Văn Thành cũng cho hay, hiện doanh nghiệp đang tham gia vô lĩnh vực đầu tư cho thuê nhà kho nhà xưởng, thì chúng tôi cũng vướng rất nhiều những thủ tục, thật sự rất khó khăn, đặc biệt là chính sách liên quan đến đất đai, môi trường…

Các doanh nhân phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.
Các doanh nhân phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.

Hiện nay nhà đầu tư không chọn khu công nghiệp lớn, mà người ta quay lại nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp nông thôn, người ta chuyển về tới các xã, các huyện bởi họ muốn đầu tư vào nguồn lao động tốt chứ không phải chỉ đầu tư chỗ đất tốt. “Tôi nghĩ đó là những vấn đề tỉnh cần quan tâm, giải quyết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương và thu hút đầu tư vào tỉnh”- ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp khác quan tâm cơ chế hỗ trợ để phát triển sản phẩm đặc trưng của tỉnh gắn với phát triển du lịch. Trong đó, ông đặc biệt lưu tâm sản phẩm khoai lang tím Nhật: Vĩnh Long đang là “vương quốc” khoai lang với sản lượng khoảng 300-400 ngàn tấn/năm.

Lượng khoai lang chúng ta rất lớn, tiềm năng lớn để tạo ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh từ tài nguyên bản địa tỉnh để cung cấp cho hàng triệu lượt khách du lịch đến tỉnh/năm mua làm quà. Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm từ khoai lang như: bánh quy khoai lang, bánh phồng tôm khoai lang… Định hướng sẽ ra mắt thêm những dòng bánh riêng về khoai lang.

Thời gian tới, công ty cần có những nơi bố trí dành cho các bạn khởi nghiệp cùng đồng hành… Chúng tôi rất quan tâm các giải pháp cụ thể của tỉnh để hỗ trợ cho các bạn về các vấn đề như chính sách về đất đai, khởi nghiệp hoặc xúc tiến thương mại cho dòng sản phẩm này… để đồng hành, kiến tạo cho các doanh nhân trẻ, giúp cho chúng tôi có nhiều động lực để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- nhận định: Vĩnh Long chưa có được những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những thương hiệu mang tính phổ biến và những thương hiệu mạnh có khả năng vươn xa và làm động lực để hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển.

Đặc biệt chưa có doanh nghiệp khai thác tốt được những ngành nghề địa phương khuyến khích. Chẳng hạn như tài nguyên bản địa, du lịch địa phương hoặc vùng nông sản của chúng ta. Theo ông, ngoài khuyến khích của cơ quan chính quyền địa phương, cần có sự liên kết tầm nhìn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển những ngành nghề này.

“Chúng tôi cũng mong muốn rằng, cộng đồng doanh nghiệp chung tay hơn nữa, liên kết hơn nữa trong việc phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”- ông Nam chia sẻ.

Đồng hành, kiến tạo để phát triển doanh nghiệp

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho biết, quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là luôn khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân phát triển nhanh và bền vững, phát triển đa dạng, về quy mô, số lượng và chất lượng để luôn là lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Muốn thực hiện được điều đó, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tọa đàm cùng lãnh đạo VCCI Cần Thơ và đại diện Hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tọa đàm cùng lãnh đạo VCCI Cần Thơ và đại diện Hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

 

Để thực hiện nhất quán quan điểm đồng hành và kiến tạo, lãnh đạo tỉnh thống nhất chỉ đạo: doanh nghiệp được phép làm những gì mà luật pháp không cấm. Đây là quan điểm nhất quán để chúng ta từ đồng hành sang kiến tạo.

Bên cạnh, thay đổi tư duy, nhận thức trong lực lượng cán bộ công chức, từ quản lý sang cơ chế phục vụ và trách nhiệm của cán bộ công chức đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, chú trọng đến xác định thông tin 2 chiều giữa doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền- xem đây là bước quan trọng để chuyển từ tư duy quản lý sang đồng hành, kiến tạo.

Trên cơ sở đó sẽ có những chủ trương, giải pháp và đặc biệt là những chính sách thúc đẩy, phát triển phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương, cũng như những định hướng mới mẻ của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân.

Đồng thời, tỉnh sẽ đồng hành với doanh nghiệp từ khâu giải quyết tháo gỡ khó khăn, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai minh bạch và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ, trách nhiệm và liêm chính.

Ông Nguyễn Phương Lam- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ

Để có lực lượng doanh nhân mạnh, trước nhất chúng ta có số lượng trước đã. Thứ nhất là chuyển đổi những hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Cái này không phải gây áp lực, hay thúc đẩy để đạt được chỉ tiêu, mà thực chất chúng ta thấy một doanh nghiệp được hình thành trên cơ sở pháp lý thì nó vận hành và phát triển tốt hơn. Thứ hai là chương trình khởi nghiệp, thực ra không phải từ phát động của Chính phủ, chúng tôi nghĩ đây là điều kiện tự nhiên, các doanh nghiệp khi tham gia thị trường cũng sẽ phát hiện những dịch vụ, sản phẩm mới, thì chúng ta sẽ tham gia vào khởi nghiệp. Khi có chương trình cụ thể và chính sách đi theo thì chương trình khởi nghiệp sẽ mạnh dần lên…

 

Bài, ảnh: NAM ANH- THẾ QUÂN