Vĩnh Long phát huy lợi thế cho phát triển kinh tế

Cập nhật, 05:00, Thứ Ba, 20/08/2019 (GMT+7)

Vĩnh Long đang có những lợi thế gì và cần khai thác, phát huy như thế nào trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế? 

Từ góc nhìn và phân tích của các chuyên gia giúp nhận diện rõ và phát huy những lợi thế của tỉnh phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Với nguồn nguyên liệu địa phương, sản phẩm của Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam thường xuyên góp mặt ở các hội nghị xúc tiến đầu tư, lễ hội bánh dân gian...
Với nguồn nguyên liệu địa phương, sản phẩm của Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam thường xuyên góp mặt ở các hội nghị xúc tiến đầu tư, lễ hội bánh dân gian...

Nhận diện lợi thế trong bối cảnh mới

Theo PGS.TS. Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và bối cảnh trong nước ổn định, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới và chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Vĩnh Long đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

 Đó là những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh và từ kết quả của đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Kim Chung nhận định: trong khi tốc độ tăng trưởng phần lớn các tỉnh vùng ĐBSCL những năm qua có phần chậm lại và có dấu hiệu đi xuống thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Long có nhiều chuyển biến tích cực, đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Cụ thể, nếu như tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2017 chỉ đạt 5,6% thì đến năm 2018 đã tăng lên đạt 6,2%. Bên cạnh, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lựa chọn mô hình tăng trưởng, nền kinh tế của Vĩnh Long đang dần chuyển dịch để hướng tới một nền kinh tế hiện đại.

Tỷ trọng ngành nông lâm và thủy sản từ 45,6% năm 2010 xuống còn 33,4% năm 2018. Thay vào đó, tỷ lệ đóng góp của khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, nhất là khu vực dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp tăng từ 1.399 năm 2010 lên 2.026 năm 2018, tăng bình quân 5,5%/năm.

Trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể, mỗi ngành lại có những xu hướng phát triển, điểm sáng riêng.

Ngành nông nghiệp và thủy sản đang từng bước cơ cấu lại theo hướng phát huy lợi thế của vùng, từng bước giảm diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi.

Ngành công nghiệp đang từng bước hình thành theo hướng phát triển ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít ảnh hưởng đến môi trường; phát triển công nghiệp tập trung trong các khu- tuyến công nghiệp.

Ngành dịch vụ đang chuyển mình phát huy lợi thế vùng trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn và sông nước. 

Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1,3 triệu lượt người, tăng 8% so năm 2017; trong đó, khách quốc tế đạt 210.000 lượt; doanh thu ngành du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 8,2%.

Song song đó, cùng với việc thu hút được nhiều vốn đầu tư toàn xã hội, hiệu quả sử dụng vốn luôn được cải thiện.

Hiệu quả sử dụng vốn ở Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2017 tốt hơn so với trung bình chung cả nước. Trong đó, PCI của tỉnh luôn trong nhóm cao so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và cả nước (nằm trong top 10 cả nước kể từ 2016 đến nay).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ- nhận định: Bối cảnh mới tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Long. Đó là, cơ hội mới khi Việt Nam gia nhập CPTPP, EVFTA.

Bên cạnh, ĐBSCL hiện là điểm đến hấp dẫn của Nhật Bản, “chính sách hướng Nam” của các quốc gia lân cận.

Trong khi đó, hạ tầng tỉnh Vĩnh Long đang hoàn thiện, cao tốc nối với TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào sử dụng năm 2020. Và, Vĩnh Long nằm kề TP Cần Thơ- trung tâm của ĐBSCL, tốc độ phát triển nhanh- cũng đang tạo ra một lợi thế lớn cho tỉnh.

Phát huy lợi thế

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản là hướng đi giúp phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp. Sản phẩm bún, bánh phở… từ gạo của Cơ sở Sản xuất kinh doanh bún, bánh phở Ba Khánh (TP Vĩnh Long).
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản là hướng đi giúp phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp. Sản phẩm bún, bánh phở… từ gạo của Cơ sở Sản xuất kinh doanh bún, bánh phở Ba Khánh (TP Vĩnh Long).

Hội tụ hàng loạt các điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển, trong đó thế mạnh “nông sản” là một trong lực hút đầu tư mạnh của tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, tiềm năng còn rất lớn nên cần được khai thác phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Minh Hiền- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam (Phường 8- TP Vĩnh Long)- cũng cho rằng: Vĩnh Long có nguồn nguyên liệu dễ thu mua, dễ tìm để phục vụ cho sản xuất; hệ thống sông ngòi nhiều giúp vận chuyển nguyên liệu thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển.

“Hiện doanh nghiệp cũng đã có bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại huyện Tam Bình để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào”- ông Phạm Minh Hiền cho hay.

Ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình- Bình Tân) cho hay:

Với lợi thế kinh nghiệm nhiều năm về mua bán khoai trữ cấp đông, chế biến và bảo quản rau, củ, quả, trong đó, mặt hàng sản xuất chủ yếu của công ty là khoai lang sấy thì vùng nguyên liệu khoai lớn nhất vùng, nổi tiếng cả nước như Bình Tân của Vĩnh Long là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thêm kho trữ lạnh, sấy dẻo, tạo thêm nhiều mặt hàng mới và đưa sản phẩm đi xa hơn.

Ông Liang Qiang- Giám đốc thu mua kiêm Giám đốc nhân sự Công ty TNHH New Hope Vĩnh Long (Khu công nghiệp Bình Minh)- cho hay, do nguồn sản xuất cá ba sa, cám gạo,… thuộc các tỉnh- thành vùng ĐBSCL nên có thể thu mua, vận chuyển nguyên liệu nội địa dễ dàng, chi phí thấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tận dụng được nhiều từ nguồn nguyên liệu tại tỉnh Vĩnh Long.

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh- nhìn nhận: Vĩnh Long chưa tận dụng tối đa các thế mạnh để phát triển những lĩnh vực vốn là tiềm năng của tỉnh.

Thời gian tới, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại nước ta đã ký kết với các nước để đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh.

PGS.TS. Trần Kim Chung cho rằng xu hướng quốc tế, sự quan tâm của Trung ương và sự chuyển mình của các địa phương lân cận tạo nên lợi thế cho Vĩnh Long.

Đồng thời, chính sự thay đổi của tỉnh trong “bối cảnh và tình hình mới” như hiện nay là cơ hội tốt để các nhà đầu tư chọn Vĩnh Long là điểm đến.

Cụ thể, Vĩnh Long đang giai đoạn đầu của cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển hướng mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp.

Bên cạnh, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước (phát triển các sản phẩm lúa chất lượng cao, khoai lang, cây có múi; chăn nuôi heo, bò, cá tra quy mô lớn gắn kết với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững).

Trong khi đó, công nghiệp chế biến nông sản là hướng đi mà Vĩnh Long đang rất ưu tiên vì đồng thời phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp và hiện chưa phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.

Hiện thực hóa cơ hội đầu tư từ hỗ trợ của tỉnh

PGS.TS. Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- cho rằng: Với các lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, và nguồn nhân lực, Vĩnh Long phải dựa trên 3 đột phá chính là nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp điện tử và du lịch sinh thái, miệt vườn lịch sử cách mạng. Việc hiện thực hóa các lợi thế và tận dụng được các cơ hội quốc tế và trong nước đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, quyết tâm chính trị rất cao của cả chính quyền và nhân dân. Trong đó, cần sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến nông sản; phát triển du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái và xây dựng chính phủ điện tử.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY