Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa từ khâu giống

Cập nhật, 06:03, Thứ Ba, 27/08/2019 (GMT+7)

Nếu như giống là yếu tố đứng hàng thứ tư trong kinh nghiệm canh tác lúa, theo kiểu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” của ông bà xưa, thì nay yếu tố “giống” xứng đáng ở vị trí số một. Giống tốt giúp tăng năng suất, chất lượng lúa, tăng thu nhập nhà nông.

Dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội lớn.
Dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội lớn.

Kết quả đánh giá năm 2019 dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, cho thấy hiệu quả tích cực. Theo đó, hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình khoảng 7.280.000 đ/ha.

Dự án còn mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, như tạo sự chủ động nguồn giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại chỗ, giảm chi phí, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, môi trường sinh thái địa phương.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên, quá trình thực hiện cũng vướng phải những khó khăn nhất định. Bà Trương Thị Thu Hương- Trưởng Trại Lúa giống (Trung tâm Giống nông nghiệp) cho biết: Canh tác lúa giống cấp nguyên chủng đòi hỏi người tham gia phải có nhân công, nhất là nhân công cấy.

Ruộng phải chủ động nguồn nước, hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng tốt, đường giao thông thuận tiện cho việc thu mua. Người sản xuất phải có kinh nghiệm trong việc khử lẫn. Do đó, rất khó khăn trong việc tuyển chọn hộ mới, đáp ứng đủ điều kiện.

Thực tế triển khai dự án tại xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm) đã cho thấy những khó khăn này. Nông dân Võ Văn Khiết (ấp Tân Quới, xã Tân Quới Trung) nêu thực trạng chung của nhiều hộ trong khu vực là ruộng không thể chủ động nước nên làm lúa gặp rất nhiều khó khăn.

Nơi ông canh tác vẫn còn tình trạng xuống giống không đồng loạt, gối vụ nên khó quản lý cỏ dại, tạo môi trường, điều kiện sâu bệnh hại lưu tồn, phát sinh gây hại. Vụ rồi, khi cần phun xịt thuốc diệt cỏ mà ruộng không chủ động được nước, không đưa nước vào được nên ông cũng đành chịu trận.

Tham gia dự án sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng vụ này, ông Nguyễn Minh Sơn (ấp Đập Thủ, xã Tân Quới Trung) cũng ngán ngẩm: Không chủ động nguồn nước thì khó mà làm lúa giống hiệu quả. Thời gian qua, việc không thống nhất thời gian đóng mở cống, bộng lấy nước khiến nhiều hộ làm lúa gặp khó, nhất là sản xuất giống lại càng khó hơn.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cho hay mặc dù chủ trương xuống giống đồng loạt từng khu vực nhưng nhiều nơi vẫn còn tình trạng không thống nhất lịch thời vụ nên không thể quản lý lúa cỏ, không cày ải phơi đất, trong khi khuyến cáo của ngành chuyên môn là nông dân cần ít nhất 1 tháng để xử lý đất trước khi xuống giống.

Theo Trại Lúa giống, đối tượng bọ gai hại lúa có xu hướng quay lại gây hại trong những vụ lúa gần đây, nhất là ở vụ Thu Đông do thời tiết mưa nhiều và bọ gai thường tấn công trên trà lúa thơm. Nhà nông có thể phòng trị bọ gai bằng các loại thuốc thông thường và việc phun xịt hiệu quả nhất là vào lúc sáng sớm khi chúng chưa bay đi.

Hiện việc quản lý hệ thống thủy lợi đã được phân cấp về địa phương. Các công trình thi công xong đã bàn giao cho xã quản lý. 

Để góp phần thực hiện tốt việc quản lý này, ông Dương Ái Đạo cho rằng các hộ dân cần thành lập tổ quản lý chung của ấp đối với những khu vực sản xuất chung hệ thống cống, bộng để chủ động nguồn nước.

Ngành chuyên môn rất khó quản lý đối với từng khu vực nhỏ, riêng lẻ mà cần có sự phối hợp từ các tổ quản lý ở địa phương.

Đối với dự án nhân giống lúa, ông Dương Ái Đạo duy trì tổ sản xuất giống, củng cố hoạt động nhằm cung ứng nguồn giống tốt phục vụ cho việc sản xuất lúa tại những cánh đồng lớn.

Làm lúa giống bên cạnh cái tâm, nhiệt tình chịu khó, chịu học hỏi thì nhà nông cần tìm hiểu thị trường để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Dương Ái Đạo cũng đề nghị Trung tâm Giống nông nghiệp tiếp tục phối hợp với địa phương để triển khai các dự án, tập huấn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, khảo nghiệm một số giống lúa có triển vọng tại Vũng Liêm, thích nghi thổ nhưỡng, môi trường, chống chịu tốt với sâu bệnh hại.

Với mong muốn nhà nông làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT bày tỏ băn khoăn khi sản xuất lúa hiện nay đang khó khăn, nhiều địa phương cũng gặp khó về nguồn giống mới phục vụ sản xuất.

Do đó, công tác giống rất quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng lúa, tăng thu nhập nông dân. Để làm được điều này thì cần quản lý tốt khâu giống, lịch thời vụ, nguồn nước, đặc biệt là quản lý khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Liêm, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh cần phải duy trì và nhân rộng trên cơ sở cải thiện kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, dự án góp phần thực hiện chức năng xã hội hóa từ việc chuyển giao kỹ thuật, kiểm soát, quản lý nhu cầu về số lượng, chất lượng lúa giống, cung cấp giống từ hệ thống nhân giống lúa nguyên chủng cho sản xuất lúa giống cấp xác nhận và lúa hàng hóa. Đây cũng là nền tảng để phát triển ổn định mạng lưới sản xuất giống lúa của tỉnh trong thời gian tới.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, hiện nay giống lúa OM 5451 đã hơi nhiễm đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông do đó người dân cần lưu ý khi canh tác giống này. Mặc dù OM 5451 vẫn còn là một trong những giống lúa chủ lực của tỉnh, nhưng hiện giống này không còn kháng tốt, chống chịu tốt sâu bệnh như trước đây.

Bài, ảnh: THÀNH LONG