Giao thông đang là điểm nghẽn của ĐBSCL

Cập nhật, 06:47, Thứ Bảy, 20/07/2019 (GMT+7)

Tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông (GT) ĐBSCL giai đoạn 2011- 2015 là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,2% cả nước; 2016- 2020 là hơn 65.000 tỷ, chiếm 15,5%- được cho là còn hạn chế, đang là “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển ĐBSCL.

Mong muốn của người dân đồng bằng là phà sẽ được thay thế bằng những chiếc cầu vững chãi.
Mong muốn của người dân đồng bằng là phà sẽ được thay thế bằng những chiếc cầu vững chãi.

Hạ tầng giao thông yếu kém

Do điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình GT trong vùng ĐBSCL khá cao.

Tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu vừa qua, Bộ trưởng Bộ GT- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua Nhà nước đã bố trí 10.600 tỷ đồng triển khai thêm một số dự án mới cho ĐBSCL, song GT khu vực này vẫn chưa đạt hiệu quả.

Các tuyến trục dọc chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nối thông theo quy hoạch (tuyến N1, tuyến N2, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, tuyến trục dọc phía Đông…) tạo thành những điểm nghẽn, thường xuyên gây ùn tắc GT, đặc biệt là các giờ cao điểm các ngày lễ, tết.

Còn các tuyến trục ngang quy mô và chất lượng đường còn rất hạn chế. Các trung tâm logistics đang hoạt động hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, kết nối chủ yếu với vận tải đường bộ nên chưa thực sự đóng vai trò là các trung tâm trung chuyển hàng hóa.

Vĩnh Long có thể phát triển cảng biển, nhưng khó khăn là tàu trọng tải lớn khó vào do lòng sông thường bị bồi lấp.
Vĩnh Long có thể phát triển cảng biển, nhưng khó khăn là tàu trọng tải lớn khó vào do lòng sông thường bị bồi lấp.

Cụ thể, tại Vĩnh Long, với vị trí nằm ở trung tâm ĐBSCL, không có biển, đường hàng không, đường sắt, đường cao tốc, trong khi hệ thống hạ tầng GT trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập nên kết nối với các tỉnh lân cận chưa thuận lợi.

QL1 như một trục xương sống nhưng mặt đường đã xuống cấp, nhiều đoạn úng ngập, sửa chữa chắp vá. QL53 kết nối Vĩnh Long- Trà Vinh nhỏ hẹp, khó lưu thông…

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh giữ vị trí cửa ngõ giao thương, làm động lực phát triển để lan tỏa đến vùng ĐBSCL, nhưng GT để kết nối còn trúc trắc.

80% khối lượng hàng hóa ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu, nhưng tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên.

Toàn vùng rộng lớn chỉ khoảng 40km đường cao tốc kéo theo chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp và chưa phát huy hiệu quả liên kết vùng. Hệ thống cảng trong vùng chủ yếu nằm trong sông, luồng vào cảng còn hạn chế.

Dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kinh Quan Chánh Bố cũng mới chỉ đáp ứng cho tàu trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải ra vào làm hàng.

Sẽ đầu tư kết nối, thúc đẩy phát triển

Xét về mặt địa lý kinh tế thì TP Hồ Chí Minh thuộc Đông Nam Bộ chứ không phải ĐBSCL, tuy nhiên hoạt động kinh tế thì lại gắn với ĐBSCL nhiều hơn.

Giao thông đồng bằng còn hạn chế nên khó thu hút đầu tư.
Giao thông đồng bằng còn hạn chế nên khó thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng GT yếu kém trở thành lực cản lớn kết nối 2 khu vực này phát triển. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- cho biết, 15 năm qua đầu tư cho hạ tầng GT ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh chậm hơn so với cả nước.

Đề xuất 10 năm tới, đồng chí cho rằng “phải đầu tư tăng tốc, bù lại thời gian trước” bằng việc nâng tỷ lệ GT của cả vùng từ 20- 25% lên khoảng 30- 35%.

Trong đó, ĐBSCL từ 15- 20%, còn cả vùng từ 30- 35%. Về nguồn vốn để đầu tư được đề nghị trích 20% từ tiền ngân sách hàng năm của thành phố nộp về Trung ương để đầu tư cho hạ tầng GT cho thành phố và ĐBSCL trong 5- 10 năm nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, thời gian qua cũng tập trung hoàn thành một số công trình dự án ở ĐBSCL. Điển hình, đã kết thúc khánh thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường kết nối trung tâm ĐBSCL.

“Tuy nhiên, với những kết quả vừa qua thì chúng tôi còn cảm thấy chưa hài lòng vì GT vận tải của khu vực này hiện nay đang là một điểm nghẽn rất lớn cho khu vực ĐBSCL kết nối với TP Hồ Chí Minh”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đồng thời cũng cam kết tới đây sẽ kết nối tốt hơn thông qua 5 dự án lớn gồm: Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ đang triển khai và Bộ GT- Vận tải sẽ đẩy mạnh, giám sát, đôn đốc để kết thúc sớm dự án này.

Dự án thứ 2 là tập trung nâng cấp QL60 với trọng tâm là xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành tuyến phía Đông. Dự án đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười kết nối với tứ giác Long Xuyên đang quá tải.

Và 2 dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 tại TP Hồ Chí Minh giúp kết nối Đông- Tây thành phố. Không chỉ vậy, 2 tuyến này còn hỗ trợ kết nối cho các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ để tránh vận tải đi qua trung tâm thành phố góp phần kéo giảm ùn tắc.

Đường thủy có lợi thế rất lớn nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tới đây sẽ tham mưu Chính phủ để nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo để giảm tải cho đường bộ. Về đường biển, sẽ đề xuất hình thành cảng biển lớn ở ĐBSCL và ưu tiên cảng biển nước sâu theo hình thức xã hội hóa, đưa Cần Thơ thành trung tâm logistics của đồng bằng.

Hiện đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, Bộ GT- Vận tải đã làm việc với các địa phương và tư vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất báo cáo với Chính phủ. Tuyến đường sắt này sẽ góp phần “chia lửa” cho đường bộ, thúc đẩy kinh tế vùng với TP Hồ Chí Minh trong tương lai. 

Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ GT- Vận tải nâng cấp, mở rộng QL53, QL54 qua địa bàn tỉnh và các cầu yếu trên QL53 (cầu Ngã Tư, cầu Ông Me) nhằm khắc phục tình trạng thắt nút cổ chai trên các tuyến này; đề xuất cho đấu nối giữa nút giao giữa đường cao tốc với đường Võ Văn Kiệt theo quy hoạch chung của TP Vĩnh Long; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ và đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ nhằm giảm áp lực giao thông tuyến QL1…

Bài, ảnh: HOÀNG MINH