Blog thị trường

Lo hàng ngoại lấn sân

Cập nhật, 07:57, Thứ Sáu, 12/07/2019 (GMT+7)

Cách đây 2 năm, tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo vùng ĐBSCL”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến vấn đề này, với quan ngại “Xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”. 

Thủ tướng cho rằng, Campuchia có vị thế trong xuất khẩu gạo bằng một chiến lược thông minh giữa gạo thương hiệu và gạo chất lượng. Một số thương hiệu và chất lượng gạo của một số nước Thái Lan, Nhật Bản đã vào bữa ăn của người Việt Nam chúng ta. 

Và thực tế cũng đã diễn ra. Không riêng mặt hàng gạo, còn có cả trái cây và nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác.

Tại các cửa hàng gạo ở Vĩnh Long, không khó để mua gạo Campuchia. Mặc dù giá gạo Campuchia từ 18.000- 20.000 đ/kg cao hơn giá gạo thơm, gạo chợ Đào, nàng Hương,… nhưng nhiều người tiêu dùng lại ưa chuộng. Theo các chủ cửa hàng gạo, người tiêu dùng chọn gạo Campuchia vì đây là gạo lúa mùa, ít phân thuốc bảo vệ thực vật. 

Không chỉ gạo mà trái cây nhiệt đới của ĐBSCL cũng bị trái cây ngoại cạnh tranh. Táo Mỹ, táo New Zealand hay cam Úc,... được siêu thị bán giá rất rẻ chỉ 39.500 đ/kg. Măng cụt, bòn bon, xoài,...

Thái Lan lấn át trái cây ĐBSCL từ nhiều năm nay. Giá cao hơn trái cây ĐBSCL nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn, rõ nhất là trong tiệc tùng thì bòn bon Thái, măng cụt Thái xen lẫn với nhãn, chôm chôm... được cho đặc sản ĐBSCL.

Từ chỗ một mình một chợ, mỗi năm xuất khẩu hàng nông sản ĐBSCL đem về cho đất nước hơn 10 tỷ USD, nhưng giờ đây phải cạnh tranh gay gắt. Trong khi nền nông nghiệp nhiều nước rất tiến bộ, sản xuất hiện đại, bài bản, thì chúng ta sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là điều đáng lo ngại.

Cuộc cạnh tranh không cân sức hàng nông sản được dự báo sẽ còn tiếp diễn và khó khăn chồng chất khi hiện có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết thực hiện. Và theo nhiều chuyên gia, nếu chúng ta không sớm khắc phục khuyết điểm, tương lai hàng nông sản thua trên sân nhà là khó tránh khỏi.

HOÀNG MINH