Thời "phất lên" của thực phẩm sạch

Cập nhật, 06:06, Thứ Bảy, 15/06/2019 (GMT+7)

Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang hoành hành khiến người chăn nuôi heo điêu đứng, còn người tiêu dùng thì e ngại. Nhưng có một thực tế là, tuy “ngán” thịt heo chợ, nhưng thay vào đó doanh số bán thịt heo trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi lại tăng vùn vụt. Vì sao như vậy?

Thịt heo ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hút hàng.
Thịt heo ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hút hàng.

Nơi vắng người mua, nơi “cháy hàng” bán

Mấy tháng nay, người nuôi heo như ngồi trên đống lửa, lo lắng vì giá heo rớt liên tục, bán không được mà nuôi tiếp thì lo dịch bệnh.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương tại các chợ không giấu được nỗi buồn: “Ế lắm, hổng ai mua, khách mối cũng... làm lơ khi đi ngang sạp thịt”.

Không ít tiểu thương ấm ức: “Thịt heo của tui có kiểm dịch đàng hoàng, không phải thịt trôi nổi đâu nhưng khách hàng cũng không chịu mua, nói “vào siêu thị mua cho chắc ăn”. Nghĩ mà buồn!”

Thực tế theo ghi nhận của phóng viên, trái ngược với chợ, quầy thịt heo trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm sạch luôn thu hút khá đông người tiêu dùng, nhiều nơi còn trong tình trạng “cháy hàng”.

Bởi nhiều người tiêu dùng cho rằng, thịt heo tại các chợ chưa tạo đủ lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng, nhất là khi đã có không ít thông tin về thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ bị phanh phui trong thời gian qua.

Đó là lý giải vì sao, khi dịch bệnh xảy ra trên heo, một bộ phận người tiêu dùng quay lưng với thịt chợ và có xu hướng tìm đến các kênh phân phối hiện đại, dễ truy xuất xứ, trách nhiệm hơn.

Tại Siêu thị Cop.opmart Vĩnh Long, sức mua thịt heo trong nhiều ngày qua tăng hơn 50%. Bà Diệp Thị Quế Hương- Phó Giám đốc siêu thị- cho hay: Người tiêu dùng có xu hướng chọn mua thịt tại đây vì an tâm, tin tưởng về chất lượng cũng như nguồn gốc thực phẩm.

Đang chọn mua thịt heo, cô Lê Thị Ngọc (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước giờ tôi hay mua thịt heo ở chợ gần nhà. Nhưng sau khi nghe thông tin bệnh dịch tả heo Châu Phi, dù biết là bệnh không lây sang người nhưng tôi cũng chuyển sang mua trong siêu thị cho an tâm hơn”.

“Để được nhập hàng vào siêu thị, tất cả các lô hàng này phải qua kiểm dịch và có tem để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi cần thiết và hiện tại chúng tôi đang tập trung cao độ trong việc kiểm soát nguồn gốc mặt hàng này cũng như tăng cường tần suất kiểm soát mỗi ngày, đồng thời kiểm soát luôn hồ sơ chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc”- bà Diệp Thị Quế Hương cho biết thêm.

Đã đến thời của thực phẩm sạch

Bệnh dịch tả heo Châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt heo.
Bệnh dịch tả heo Châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt heo.

Theo nhận định của ngành chức năng, hiện hơn 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt heo, do đó dù bệnh dịch tả heo Châu Phi đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi heo nhưng không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thủy hải sản,…

Vấn đề cần được quan tâm và chú trọng giải quyết hiện nay là xác định quy chuẩn, thước đo độ an toàn của thịt heo để người tiêu dùng yên tâm, đồng thời tìm cách “giải oan” cho thịt heo sạch tại các chợ.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Để ổn định thị trường, ngành chức năng luôn tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm dịch nguồn thịt heo từ các lò giết mổ, các nhà phân phối lớn để đảm bảo nguồn cung thịt heo an toàn cho người tiêu dùng.

Heo trước khi đưa vào giết mổ đều qua khâu kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ, đảm bảo không có dấu hiệu dịch bệnh. Thịt heo trước khi vận chuyển, phân phối đến các quầy hàng tiêu thụ đều được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng dấu kiểm dịch.

Và để đảm bảo an toàn khi sử dụng thịt heo, ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần mua thịt heo ở những nơi kinh doanh thịt heo rõ ràng, trên thịt heo có dấu kiểm dịch của thú y và tất cả các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đồng thời, chế biến đúng cách, nấu chín thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Lưu ý là những thực phẩm động vật còn sống không nên để gần những thực phẩm khác để tránh trường hợp nhiễm chéo”.

Có thể thấy, việc các ngành chức năng minh bạch về dịch bệnh, tăng cường kiểm soát tốt an toàn thực phẩm đối với thịt heo trên thị trường nên người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng thịt an toàn ở các điểm bán uy tín. Đây cũng là cách giúp cho giá heo hơi sớm phục hồi trở lại.

Và song song với khuyến cáo không tẩy chay thịt heo, thì đây được xem là cơ hội để người tiêu dùng thay đổi thói quen, hướng đến tiêu dùng thịt sạch.

Còn người chăn nuôi cũng nên thay đổi tư duy sản xuất sạch hơn, an toàn hơn. Tiểu thương tại các chợ cũng cần phải tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thực phẩm mà mình kinh doanh.

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng: Hiện nay, để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, người chăn nuôi cần mạnh dạn áp dụng phát triển hình thức chăn nuôi heo, gia cầm theo quy trình kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc vật nuôi từ trại chăn nuôi đến bàn ăn.

Từ đó, từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cũng như khuyến khích chăn nuôi sạch. Tuy con đường tìm chỗ đứng trên thị trường là không dễ nhưng đây là điều người chăn nuôi phải làm. Minh chứng là hiện nay, các điểm bán thực phẩm có truy xuất nguồn gốc (mà cụ thể là thịt heo) đã tạo được lòng tin vững chắc cho người tiêu dùng.

Ngành Nông nghiệp- PTNT cũng đang chỉ đạo quyết liệt ngăn không cho dịch lây lan, bằng các biện pháp an toàn sinh học và các biện pháp thú y.

Song song đó, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp- PTNT đã thực hiện để trữ đông heo sạch. Không tăng đàn. Tập trung thúc đẩy tăng chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản để có thực phẩm thay thế, đồng thời bảo đảm không để thiệt hại nền kinh tế.

Bài, ảnh: TRÀ MY