Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ

Doanh nghiệp thêm sức, sản phẩm thêm an toàn

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 13/06/2019 (GMT+7)

Với các cơ sở, doanh nghiệp (DN) nhỏ, thiếu vốn, thiếu máy móc thiết bị sản xuất luôn là yếu tố “vướng”, cản trợ sự phát triển của DN. Hiểu được điều này, nhiều năm qua, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ cho nhiều cơ sở sản xuất trong tỉnh, đặc biệt là các ngành hàng chế biến thực phẩm- thế mạnh của tỉnh, để DN nâng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

Các hoạt động khuyến công hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương.
Các hoạt động khuyến công hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương.

DN được tiếp sức

Theo Sở Công thương, thời gian qua hoạt động khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp DN phát triển bền vững và từng bước hội nhập kinh tế.

Qua đó, góp phần làm tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo động lực thu hút các nguồn lực của DN và xã hội vào phát triển công nghiệp nông thôn.

Đặc biệt, công tác khuyến công còn chú trọng hỗ trợ các DN có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: sản xuất bánh mì ngọt, bánh bông lan, kẹo đậu phộng, kẹo hạt điều, khoai lang sấy,...

Sự đồng hành của khuyến công không chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ vốn mà còn trong hoạt động tư vấn, giúp cơ sở hạn chế rủi ro khi đổi mới công nghệ.

Theo đó, máy móc, thiết bị được khuyến khích đầu tư dựa trên nhu cầu của cơ sở, yêu cầu của thị trường và phải đáp ứng điều kiện quan trọng: máy móc, thiết bị mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc, thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng, tỷ lệ chi phí năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm, trình độ, năng suất lao động.

Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Hỗ trợ cơ sở, DN ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp giúp DN tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần gia tăng giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà.

DN nỗ lực “vượt lên chính mình”

Theo nhiều DN và cơ sở sản xuất nhỏ, việc đầu tư ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất không chỉ giúp sản phẩm được cải tiến mẫu mã, chất lượng hơn, mà còn giúp tăng sức cạnh trạnh trên thị trường.

Vừa được hỗ trợ máy móc tiên tiến vào sản xuất, bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (xã Hòa Phú- Long Hồ) cho hay: Sau khi hỗ trợ đầu tư máy cán và cắt kẹo tự động đã giúp công ty tăng thời gian bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và phát triển thị trường mới, từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tuy số lượng nhiều nhưng DN nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: quy mô nhỏ, trình độ quản lý yếu kém, kỹ năng của người lao động không đáp ứng được yêu cầu, DN chưa tạo được độ tin cậy cao, chưa bảo đảm về vệ sinh, an toàn và bảo vệ môi trường...

Bà Lưu Thị Hồng Ly- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp- cho hay: Vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa quan tâm, chưa mạnh dạn đổi mới công nghệ tiên tiến, chưa áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn vào sản xuất.

Trong khi đó, đa phần các cơ sở, DN công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh là nhỏ và vừa nên mức đầu tư máy móc thiết bị tương đối thấp, chưa đáp ứng yêu cầu để được xét duyệt hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia.

Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh việc hỗ trợ của ngành chức năng thì rất cần sự “tự thân vận động” của DN. Theo đó, DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường, tìm nguồn cung cấp mới nguyên liệu thay thế rẻ hơn, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Đồng thời, cần đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, tăng năng suất lao động, phát huy tối đa công suất, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để công tác khuyến công thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, bà Lưu Thị Hồng Ly cho biết: Trung tâm sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường bám sát các cơ sở sản xuất để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn, tư vấn giúp đỡ các đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra.

Năm 2019, với nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 2,4 tỷ đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn, hỗ trợ cơ sở, DN ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ cá nhân, tổ chức thành lập DN sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói,…

Đến nay, đã có 6 đề án khuyến công được triển khai với kinh phí khoảng 520 triệu đồng, hiện đang tiếp tục lập đề án triển khai thực hiện với phần kinh phí còn lại.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN