"Nườm nượp" đi chơi lễ

Cập nhật, 05:54, Thứ Năm, 02/05/2019 (GMT+7)

“Cháy” vé xe, chợ đông đúc, siêu thị nhộn nhịp, trung tâm điện máy sôi động, khu du lịch hút khách... là tình hình chung trong các ngày nghỉ lễ. Theo nhiều đơn vị kinh doanh các dịch vụ vận tải, mua sắm, ăn uống… dịp lễ này đón lượng khách “nườm nượp”, cũng là dịp doanh nghiệp làm ăn khấm khá.

Khách hàng chen chân mua sắm hàng khuyến mãi tại trung tâm điện máy.
Khách hàng chen chân mua sắm hàng khuyến mãi tại trung tâm điện máy.

Hơn 8 tiếng từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long

Anh Nguyễn Minh Chấn ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết ngày 28/4, anh lái xe đưa gia đình về nhà bạn ở xã An Phước (Mang Thít) chơi lễ, hành trình kẹt phà, kẹt xe… phát ngán.

Xuất phát từ lúc 8 giờ, anh tham khảo ý kiến rất nhiều bạn bè, theo dõi báo đài nắm tình hình xe cộ lưu thông trên các tuyến đường để chọn hướng đi phù hợp tránh kẹt xe.

Anh chọn đi QL1 chứ không rẽ vào cao tốc vì có tin vừa xảy ra vụ tai nạn 8 ô tô tông liên hoàn, đường khá trống trải. Tới ngã ba Trung Lương, gia đình lại đắn đo “đi đường nào bớt kẹt”, bạn anh khuyên nên đi đường Mỹ Tho qua Bến Tre “chắc là xe cộ ít hơn QL”.

Tuy nhiên: “Hướng Bến Tre qua cầu Rạch Miễu, phà Tân Phú, phà Đình Khao tới Vĩnh Long ngắn hơn, ít xe hơn nhưng lại kẹt phà, kẹt cầu, bình quân xe phải đợi hơn 1 tiếng mới qua được từng trạm đó. Dự kiến khoảng 12 giờ là tới nơi, nhưng phải tới 16 giờ gia đình mới tới nhà bạn.

Gia đình chuẩn bị đủ món bánh xèo, cà ri gà dọn sẵn chờ ăn cơm trưa, mà tới chiều mới được ăn”- anh Chấn kể chuyện đường về miền Tây kẹt xe.

Trong khi đó, nhiều hành khách đi xe đò, xe chất lượng cao của các doanh nghiệp ở Vĩnh Long cũng cho biết phải ra bến xe từ khuya để mua vé xe.

Chị Thanh Tâm ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết chị ra trạm xe từ 3 giờ sáng để đặt vé về Vĩnh Long, nhưng 5 giờ mới có chuyến đi, do lưu lượng xe trên đường đông đúc và xe cũng chạy chậm hơn bình thường gần tiếng đồng hồ.

Hơn nữa, mặc dù một số hãng xe cho biết không tăng giá vé dịp lễ, nhưng hành khách cũng phàn nàn “sao ngày thường tui đi có 95.000đ, mà ngày lễ lấy tiền tui tới 140.000đ”. Rõ ràng là giá vé xe đã tăng tới trên 40%!

Chen chân mua sắm, vui chơi

Trong khi đó, theo nhiều tiểu thương, chủ trung tâm mua sắm, dịp lễ này sức mua tăng mạnh. Dự đoán trước tình hình, các tiểu thương đã chuẩn bị lượng hàng hóa tương đối đầy đủ, tươi ngon đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

Theo các tiểu thương tại chợ TP Vĩnh Long, những ngày qua sức mua tăng gấp đôi so với ngày thường, nhóm hàng rau xanh, thủy hải sản, thịt heo… bán rất chạy.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Linh- tiểu thương bán rau chợ Vĩnh Long- cho hay: “Mấy ngày này, rau, củ tăng 2.000- 5.000 đ/kg, bán gấp 3- 4 ngày thường, tôi đã tranh thủ nhập hàng nhiều, thường xuyên hơn mới đủ bán”.

Tăng giá nhiều nhất là các mặt hàng hải sản tươi sống như: ghẹ, cua biển, sò huyết, mực,... Chủ một cửa hàng bán hải sản ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) cho biết ngày thường bán 10- 20kg, mấy ngày lễ này thì bán được 30- 40 kg/ngày, giá cũng tăng hơn do tiền nhân công đánh bắt hải sản trong dịp lễ tăng cao. Các cửa hàng, điểm bán thức ăn chế biến sẵn như cá lóc nướng, gà nướng, vịt quay… cũng đắt như tôm tươi.

Một chủ cửa hàng vịt quay trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Mấy ngày lễ lượng bán tăng gấp đôi, giá vịt quay tăng từ 20.000- 30.000 đ/con, giá này đã tăng từ tết tới nay do nhu cầu tăng và có thể do mùa nắng nên số lượng vịt cung cấp không đủ”.

Còn tại các trung tâm điện máy, siêu thị, sức mua cũng tăng đáng kể. Anh Văn Cấp Trí- Giám đốc Trung tâm điện máy- điện lạnh- điện gia dụng Khai Trí cho hay sức mua đã tăng 3- 4 lần so với ngày thường.

Các mặt hàng được khách hàng chọn nhiều là máy quạt, máy làm mát, máy lạnh để hạ nhiệt trong mùa nóng. Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, các trung tâm cũng có nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng.

Không chỉ chọn mua sắm, nhiều người còn chọn đi du lịch, vườn trái cây, khu du lịch sinh thái để vui chơi, giải trí trong dịp lễ. Những ngày này, các điểm du lịch vườn “ăn bao bụng” thu hút rất đông khách tham quan.

Cô Bảy- chủ vườn chôm chôm Út Du (xã An Bình- Long Hồ) cho hay: Từ 28/4, lượng khách đã tăng nhiều, gấp 5- 6 lần so với ngày thường, vườn đã thêm người phụ nhưng vẫn làm không xuể. Giá vào vườn dao động từ 60.000- 70.000 đ/người.

Tại Khu du lịch Bến Thành Vinh Sang, cũng có đông đảo lượng khách về đây trải nghiệm các trò chơi dân gian như đi cầu dây, tát ao bắt cá, mò cua bắt ốc. Để thu hút khách, Bến Thành Vinh Sang còn có thêm nhiều điểm mới như: con đường chong chóng, hồ bơi trong nhà, chợ quê...

Trở lại thành phố, Bình Dương

Theo một số hãng xe, sau kỳ nghỉ lễ, từ ngày 30/4, 1/5 lượng khách trở lại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương làm việc đã tăng mạnh.

Dù đã tăng chuyến nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Ông Huỳnh Tăng Luận- Chủ DNTN Huỳnh Đạt- cho hay: “Mỗi ngày đã tăng 3 chuyến xe để đón khách, trung bình đón khoảng 1.000 khách/ngày”.

Ông Đặng Thanh Măng- Trưởng Văn phòng xe khách Phương Trang (chi nhánh Vĩnh Long)- cho biết từ 1/5, lượng khách đổ về TP Hồ Chí Minh đã tăng khoảng 150% so ngày thường.

Mặc dù đã tăng chuyến nhưng vẫn không đủ để đón khách do lượng khách 2 chiều quá đông (khách đi chơi và khách về quê). Ngày thường chạy 20- 30 tài đón khoảng 1.000- 1.200 khách, mấy ngày lễ đã tăng lên 50 tài, chỉ tính riêng ngày 1/5, đã đón 2.000 lượt khách, hiện đã hết vé đến 11g ngày 2/5.

Nhiều khách cho biết đặt vé trước 1- 2 ngày mới có vé đi, trong khi nhiều hành khách đã đặt trước cả tuần để giữ vé giường nằm tầng dưới. Hoặc là chấp nhận đi xe dù, lợi dụng dịp lễ đã tăng giá vé lên gấp đôi, gấp 3 so ngày thường và xuất hiện tình trạng “nhét khách”.

Bài, ảnh: AN- THẢO