Cần chiến lược lâu dài cho hạt gạo đồng bằng

Kỳ cuối: Biến thách thức thành cơ hội

Cập nhật, 05:25, Thứ Tư, 06/03/2019 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, rất cần thay đổi tư duy trong sản xuất, xuất khẩu và cần có chiến lược lâu dài.

Để phát triển bền vững, ngành hàng lúa gạo phải liên kết, phát triển cánh đồng mẫu lớn tạo ra chuỗi giá trị.
Để phát triển bền vững, ngành hàng lúa gạo phải liên kết, phát triển cánh đồng mẫu lớn tạo ra chuỗi giá trị.

Phải giảm chi phí, tăng chất lượng

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, những chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành liên quan về việc gấp rút hành động để xử lý một tình huống “chẳng đặng đừng” là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân thật hết sức cần thiết, nhưng về lâu dài cần phải thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu người ĐBSCL.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết vẫn bị “ám ảnh” bởi tài liệu của Ngân hàng Thế giới về “Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam- giảm chi phí, tăng chất lượng”.

Theo đó, để nông sản Việt Nam (có ngành hàng lúa gạo) không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa thì rất cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”.

Để vượt qua “lời nguyền” đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng “không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện.

Vì thế, giải pháp duy nhất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp Đồng Tháp là phát triển hợp tác xã (HTX) và tỉnh hiện có hơn 60 Hội quán nông dân- tiền đề để phát triển HTX.

HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng: “Để xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần tập trung quản lý chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo sản lượng. Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa nguồn cung, tối ưu hóa tổng sản lượng, tối ưu hóa cơ cấu sản lượng.

Đồng thời, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp quay lại với biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện, đừng để xảy ra tình trạng chạy theo số lượng mà không quản lý được chất lượng, dẫn đến việc mất giấy phép xuất khẩu”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đề xuất giảm 1 triệu héc ta diện tích trồng lúa sang nuôi trồng các giống cây, con có giá trị kinh tế khác.

Trong đó, đặc biệt quan tâm giảm lúa ở vùng xâm nhập mặn, vùng đất cao, vùng trũng, vùng ven đô. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đồng bộ. Cùng với yêu cầu nâng cao năng lực chế biến lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình và công nghệ hiện đại đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành nông nghiệp cũng thực hiện điều chỉnh cơ cấu mùa vụ và thời vụ theo tiểu vùng sinh thái; xây dựng đề án sản xuất lúa hữu cơ, lúa đặc thù dinh dưỡng để chủ động tiếp cận các thị trường cao cấp.

Phải đẩy mạnh liên kết

Để giảm bớt rủi ro cho ngành lúa gạo, nông dân rất cần một chiến lược mang tính lâu dài.
Để giảm bớt rủi ro cho ngành lúa gạo, nông dân rất cần một chiến lược mang tính lâu dài.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết Hậu Giang là tỉnh thuần nông với 70% dân số làm nông nghiệp, với giá lúa hiện tại, nông dân có lời nhưng “rất meo”.

Tại Vĩnh Long, lúa Đông Xuân thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3/2019 khoảng 300.000 tấn. Bước đầu khảo sát nhu cầu thu mua của 2 công ty trên địa bàn tỉnh ước khoảng 50.000 tấn, chỉ 15% sản lượng lúa.

Trước mắt, tỉnh yêu cầu cần đẩy mạnh việc thu mua lúa tạm trữ trong dân, góp phần bình ổn giá lúa hàng hóa trên thị trường, đảm bảo nông dân không bị lỗ. Bên cạnh đó, ngân hàng cần gia hạn các khoản vay, khoanh lãi suất cho nông dân, hỗ trợ tín dụng khuyến khích nông dân, HTX trữ lúa trong vụ Đông Xuân. Đồng thời, cần đẩy mạnh cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX trong việc cung cấp thông tin, địa chỉ bên bán, bên mua.

Cùng với phân tích tình hình, nguyên nhân sản xuất và tiêu thụ lúa vẫn còn những khó khăn, ông Lê Tiến Châu đúc kết: “Nếu người dân tiếp tục sản xuất theo cách tự phát thì những cuộc “giải cứu” sẽ còn kéo dài”. 

Vì thế, giải pháp đặt ra để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo nhất thiết phải là mô hình cánh đồng mẫu lớn, tạo ra chuỗi giá trị mà trong đó doanh nghiệp với nông dân phải liên kết với nhau.

Việc này vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng chế biến xuất khẩu cho doanh nghiệp, còn nông dân không phải lo đầu ra.

Khẳng định sản xuất theo hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân là tốt nhất, có lợi cho cả đôi bên, ông Phạm Thái Bình- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, hiện nay mô hình cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi giá trị vẫn còn nguyên giá trị và cần khuyến khích doanh nghiệp, nông dân thực hiện.

Đây là mô hình cụ thể, hiệu quả nhất, bởi có “chính quyền đồng tình, người dân muốn tham gia vì được doanh nghiệp bao tiêu.

Thực tế năm nay, dù giá lúa bên ngoài giảm, nhưng cánh đồng lớn công ty đầu tư vẫn mua với giá hợp đồng.

Như ở Cà Mau vừa thu hoạch 6.000 tấn, công ty mua giá 6.300 đ/kg. Kiên Giang thu hoạch 4.000 tấn, công ty mua 7.000 đ/kg”- ông nói.

Ông Trần Văn Chuyện- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng- cũng đồng tình việc liên kết vùng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, mà quan trọng là xây dựng mối liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho người sản xuất.

Để thúc đẩy sản xuất ngành hàng lúa gạo cần mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng mặt hàng lúa gạo ổn định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với khối lượng lớn.

Theo ông: “Cần có chính sách căn cơ lâu dài đối với nông dân, chớ cứ giải cứu lòng vòng hết tôm, củ hành, dưa hấu, cá đến giải cứu lúa là không ổn.

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa vụ Đông Xuân, chúng ta cần có chiến lược phát triển ngành lúa gạo. Phải liên kết chứ đi đơn lẻ sẽ rất khó khăn”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã họp và đưa ra 5 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung thu mua để dự trữ quốc gia theo đúng kế hoạch 200.000 tấn gạo, 180.000 tấn lúa và tập trung thu mua ngay trong vụ này. Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Tài chính tính toán thu mua thêm 100.000 tấn lúa phục vụ cho công tác phát triển trồng rừng, xóa nghèo bền vững ở miền núi. Hệ thống tín dụng ngân hàng tháo gỡ các khó khăn, tính toán lại mức lãi suất phù hợp nhất.

Về mặt thị trường, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp- PTNT cùng VFA tiếp tục khai mở những thị trường truyền thống và tập trung nghiên cứu phát triển thị trường mới. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó, lựa chọn quy mô sản xuất các mặt hàng nông sản ở mức độ phù hợp nhất, khai thác lợi thế tốt nhất và hướng đến thị trường, bảo đảm tất cả các đối tượng sản xuất nông nghiệp đều có dư địa tốt về mặt thị trường và có thu nhập cao.

Cần đẩy nhanh hơn quá trình hình thành chuỗi liên kết trên cơ sở hình thành các HTX và các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp, liên kết với nông dân từ khâu sản xuất, đến khâu tiêu thụ. Yêu cầu các doanh nghiệp phải dồn sức, tập trung thu mua không để tồn đọng lúa gạo hàng hóa của nông dân. Bởi theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới trong năm 2019 không sụt giảm, thậm chí còn tăng ở một số thị trường chính, mà Việt Nam đang chiếm lĩnh.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY