Blog thị trường

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính!

Cập nhật, 06:14, Thứ Sáu, 22/03/2019 (GMT+7)

Trước đây, trong khi các thị trường như Mỹ, Châu Âu dựng các hàng rào về tiêu chuẩn đối với nông sản Việt Nam khi nhập khẩu, thì Trung Quốc có phần dễ tính hơn rất nhiều. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác…

Cụ thể, theo ông Trần Thanh Hòa- Phó cục trưởng Cục Chế biến- Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), chia sẻ tại hội thảo “Cập nhật thông tin và yêu cầu thị trường- Định hướng phát triển xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc cho sản phẩm nông sản và trái cây” mới đây, thì từ ngày 1/5 tới, các xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Theo ông, Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế có một tiêu chuẩn về kiểm dịch, yêu cầu các nguyên liệu, bao bì có nguồn gốc thực vật phải áp dụng biện pháp kiểm dịch thực vật quốc tế. Theo đó, tất cả các vật dụng bằng gỗ, kể cả bao bì máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng.

Trước đó hồi đầu 4/2018, theo Vụ Thị trường Châu Á- Châu Phi (Bộ Công thương) các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.

Với mặt hàng gạo, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, Trung Quốc cũng đã đặt ra các yêu cầu rất nghiêm ngặt khi cử đoàn công tác sang tận ruộng, vào tận nhà máy để kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến.

Trung Quốc là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 75%. Song thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân này không còn dễ tính, nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn ngày một tăng. Mặt khác, hiện Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng giảm tiểu ngạch sang tăng chính ngạch.

Những thay đổi này là lời cảnh báo cho nông sản Việt khi xuất khẩu. Và để tránh hàng bị tồn đọng, không còn cách nào khác hơn là từ nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao quy trình sản xuất, truy xuất được nguồn gốc nông sản; xây dựng uy tín trong hợp tác với các đối tác Trung Quốc; thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch thiếu ổn định như trước đây.

HOÀNG MINH