Để đón chuyến tàu cao tốc của thời đại công nghệ

Cập nhật, 12:49, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)

LTS: Theo Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm 2020 có khoảng 4.200 doanh nghiệp còn hoạt động. Như vậy, trong giai đoạn 2016- 2020, mỗi năm phát triển trên 300 doanh nghiệp.

Thời gian qua, những nỗ lực của các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp/nhà đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… đã góp phần tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, củng cố và tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sự đồng hành của chính quyền.

Chuyên đề Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long- Xuân 2019, chúng tôi xin gọi là “Mùa Xuân khởi nghiệp” với khẳng định của lãnh đạo UBND tỉnh “luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”; các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã khởi động và những chia sẻ tâm huyết từ thực tế của các doanh nhân trẻ… có thể nói “Mùa Xuân khởi nghiệp” đã được đánh thức!

Tất cả đã và đang truyền đi nguồn năng lực tích cực cho giới trẻ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Vĩnh Long.

Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long

460
 

LTS: Với góc nhìn riêng của một doanh nhân trẻ xuất thân từ gia đình có truyền thống sản xuất kinh doanh, tác giả chia sẻ niềm tự hào của người con “đất học” Vĩnh Long, cũng như bày tỏ những trăn trở, gợi ý đầy tâm huyết để có thể khai thác tiềm năng địa phương.

Đồng thời, đánh thức niềm đam mê khởi nghiệp, nhất là “lực lượng khởi nghiệp với sức trẻ phải phát huy sức sáng tạo”.

Tôi còn giữ quyển lưu niệm của gia đình về những người khách, người bạn đến Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) vào khoảng năm 1990. Họ ca ngợi về vùng đất lành trái ngọt, thắm đượm tình quê, vườn cây xanh mát quanh năm, len lỏi những kinh rạch miền sông nước...

Ngày ấy, đời sống kinh tế người dân ở tỉnh ta và các nơi trong cả nước không chênh lệch nhau quá xa nhưng Vĩnh Long đã nổi tiếng, được nhiều người biết đến là vùng “đất học”, nơi có nhiều danh nhân so với trong khu vực miền Tây.

Sau gần 30 năm đổi mới, Vĩnh Long ngày nay có những thành tựu nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy vậy, vẫn còn nhiều lo lắng khi tiềm năng phát triển chưa được khai thác một cách tối ưu. Những giá trị tài nguyên bản địa chưa được chuyển hóa và đồng bộ cùng những giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử của vùng địa linh nhân kiệt này.

Trong 2 năm vừa qua, Vĩnh Long đứng thứ hạng cao so với cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI), thể hiện qua thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được cải thiện, môi trường đầu tư thuận lợi.

Nhưng hiện nay số lượng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế về chất lượng lẫn quy mô, còn thiếu doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối tạo chuỗi khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Vì sao khả năng cạnh tranh được đánh giá thuộc nhóm tốt mà chưa tạo được sự bứt phá?

Năm 2018, tuy chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng trị số thấp hơn dự báo trung bình cả nước, giá trị tăng trưởng còn rất thấp (do xuất phát điểm GRDP thấp) nên nguy cơ khoảng cách chênh lệch về kinh tế và trở thành nhóm “vùng trũng” so cả nước là rất đáng lo ngại.

Câu hỏi đặt ra là trong lo lắng và khó khăn như vậy, ưu tiên của tỉnh nên bắt đầu từ đâu?

Trong năm 2018, Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long có nhiều hoạt động hỗ trợ, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp hội viên. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Trong năm 2018, Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long có nhiều hoạt động hỗ trợ, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp hội viên. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trở lại câu chuyện về vùng đất Vĩnh Long ngày nay, những người con quê hương thành công trên mọi miền đất nước, những người quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư chúng tôi có dịp gặp.

Họ thăm hỏi về quê hương, về đời sống kinh tế- xã hội. Một vài người quen là nhà đầu tư lớn, có dịp mời về Vĩnh Long để đầu tư nhưng hầu hết cần có sự thương lượng về chính sách hoặc đầu tư thông qua doanh nghiệp địa phương có tiềm năng phát triển.

Có thể nói mọi thứ đều được đặt lên bàn cân để tính toán. Vì vậy, tạo bước phát triển đột phá không đơn thuần chỉ dựa vào ưu đãi hay công trình đầu tư từ vốn trung ương mà phải có sự chuẩn bị chu đáo về nội lực để đón nhận những cơ hội.

Để làm được điều này, điều kiện cần là bộ máy hành chính và chính sách phải đảm bảo tính thực thi hiệu quả cao, nhanh gọn và minh bạch.

Bên cạnh đó, điều kiện đủ là doanh nghiệp quan tâm chiến lược dài hơn, doanh nhân có khát vọng cao hơn và lực lượng khởi nghiệp với sức trẻ phải phát huy sức sáng tạo cao hơn nữa.

Việc phát triển kinh tế tạo thành động lực không còn chỉ là những giá trị về số vốn, về tài nguyên, về cơ chế mà phát triển bền vững cần có yếu tố về văn hóa, xã hội và tinh thần dân doanh. 

Động lực tăng trưởng phải chăng cần ưu tiên bắt đầu từ yếu tố con người, những người con quê hương “đất học” nhận thức được những giá trị, trách nhiệm, sáng tạo và hành động?

Một người Nga đến Vĩnh Long từng bày tỏ, anh đã đi nhiều nước trên thế giới, đến những nơi như Paris, New York… nhưng khi đến miệt vườn sông nước này, anh thấy “ganh tị” về vùng đất yên lành với những vườn cây trái ngọt và những con người rất gần gũi. Có rất nhiều điều anh sẽ kể cho bạn bè nghe.

Miệt vườn sông nước Cửu Long, dòng phù sa vẫn âm thầm bồi đắp vùng đất địa linh nhân kiệt. Nước ngọt quanh năm, tài nguyên bản địa dồi dào cần được bảo tồn và phát triển lên tầm cao mới với một chiến lược phù hợp.

Nhìn lại toàn bộ lịch sử quá trình hình thành, phát triển và những giá trị tích lũy về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Chắc rằng chúng ta sẽ biết mình bắt đầu từ đâu, chuẩn bị những gì khi đón chuyến tàu cao tốc của thời đại công nghệ.

Nguồn sử xanh quê hương vẫn âm thầm chảy một cách hiền hòa, những nhân tố kiến tạo khi kết nối cùng nội lực, nhiệt huyết, khát vọng sẽ viết thêm những thành tựu nổi bật mới cho thế hệ mai sau, niềm tự hào con người đất Vĩnh Long.