Rất ít cơ sở sản xuất gạch, gốm chuyển đổi công nghệ lò nung

Cập nhật, 14:20, Thứ Tư, 02/01/2019 (GMT+7)

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng Mang Thít, do giá nguyên liệu sản xuất (trấu, đất sét) ở mức cao trong thời gian dài, sản phẩm tiêu thụ chậm, thiếu nhân công nên các cơ sở sản xuất gạch, gốm gặp nhiều khó khăn.

Toàn huyện chỉ còn 112/728 cơ sở sản xuất gạch ngói với 115 lò đang hoạt động và 9 cơ sở sản xuất gốm. Năm 2018, giá trị sản xuất gạch gốm giảm nhiều so với cùng kỳ, cụ thể: giá trị gạch trên 297 tỷ đồng (giảm 26,08% so năm 2017), giá trị gốm trên 40,5 tỷ đồng (giảm 22,43%).

Thực hiện Đề án “Tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long”, phòng đã triển khai chuyên đề về chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất gạch ngói trên địa bàn huyện.

Song, do nguồn vốn, mặt bằng của các cơ sở còn hạn chế nên việc chuyển giao công nghệ lò nung liên hoàn, lò Hoffman còn chậm, có rất ít cơ sở chuyển đổi công nghệ lò nung. Hiện huyện có 7 cơ sở với 9 lò Hoffman, 18 cơ sở với 19 lò nung liên hoàn đang hoạt động, còn 22 cơ sở với 28 lò ngoài tuyến quy hoạch đang hoạt động.

Trong năm qua, phòng đã kết hợp khảo sát 108 cơ sở với 183 lò đề nghị hỗ trợ tháo dỡ. Đến nay đã hỗ trợ tháo dỡ cho 358 cơ sở với 646 lò, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng.

Thời gian tới, phòng sẽ kết hợp tuyên truyền, vận động người dân ngưng nghỉ, chuyển đổi hoạt động sản xuất đối với những cơ sở hoạt động lò nung truyền thống.

THẢO LY