Kết nối phố

Chợ truyền thống trong đô thị

Cập nhật, 13:06, Thứ Tư, 16/01/2019 (GMT+7)

Chợ truyền thống trong đô thị không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm cho cư dân đô thị, mà là cơ hội để khuyến khích kinh tế tư nhân và là không gian giao tiếp công cộng, là địa điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước...

Theo kiến trúc sư Stephen Davies (Mỹ)- một chuyên gia với hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu phát triển chợ truyền thống tại các nước- các đô thị của Việt Nam đã có những khu chợ thực sự bị tổn thương bởi sự cố gắng hiện đại hóa và biến chúng thành các trung tâm thương mại hay siêu thị, thay vì cố gắng duy trì và phát huy những giá trị truyền thống vốn có của nó.

Qua thực tế khảo sát ở Việt Nam cho thấy có rất nhiều khu chợ truyền thống giàu tiềm năng để đầu tư, phát triển theo hướng bảo tồn, cải tạo, nâng tầm để đem đến nhiều lợi ích xã hội hơn.

Phát triển, hiện đại hóa chợ truyền thống không phải là thay đổi hoàn toàn chức năng hoạt động mà chỉ nâng cấp cơ sở hạ tầng hay trải nghiệm của khách hàng và không nên cố gắng thay đổi mô hình, cách vận hành gốc rễ của khu chợ đó.

Nhiều đô thị trên thế giới sau khi phá bỏ chợ truyền thống, lại đang khôi phục những khu chợ này. Chính quyền các thành phố phải đầu tư vốn để nâng cấp và coi đó là địa điểm giao thương, trung chuyển và tập trung rất nhiều hoạt động của thành phố.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chợ truyền thống không chỉ có chức năng thương mại, mà còn là không gian giao lưu của cộng đồng dân cư đô thị. Và đây cũng là nơi để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, truyền thống, thu hút người dân, khách hàng tới mua sắm.

Hiện nay ở các thành phố trên thế giới, người ta đầu tư rất nhiều vào bảo tồn và phát triển các khu chợ truyền thống. Người ta còn lập cả học viện dạy về cách quản lý chợ để cho người trẻ học và phát triển những gian hàng thực phẩm ở ngay trong các khu chợ đó.

THÀNH LONG