CÁ TRA- lưu ý trở ngại trong thuận lợi

Cập nhật, 06:05, Thứ Sáu, 07/12/2018 (GMT+7)

Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục (dự báo hơn 2 tỷ USD), giá cá nguyên liệu đạt mức cao nhất từ trước đến nay.  Tuy nhiên, theo ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cần lưu ý một số thách thức, trở ngại trong sản xuất và tiêu thụ cá tra thời gian tới.

Cần tiếp tục cải tiến, nâng cao công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cần tiếp tục cải tiến, nâng cao công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), ước tổng diện tích nuôi và sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2018 giảm nhẹ so năm ngoái.

Cụ thể, diện tích khoảng 2.500ha (giảm 1,89%), sản lượng khoảng 117.580 tấn (giảm 1%).

Trong đó, diện tích nuôi cá tra ao thâm canh năm 2018 gần 460ha, tương đương năm rồi; sản lượng ước đạt 86.700 tấn, tăng 10.552tấn, vượt kế hoạch năm (80.000 tấn).

Trong năm, giá cá tra nguyên liệu tại ao ở mức cao: từ 25.000- 35.000 đ/kg (tăng 5.000- 7.000 đ/kg so cùng kỳ), người nuôi có lời từ 3.000- 13.000 đ/kg.

Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- cho biết, từ năm ngoái đến nay, gần như tất cả các ao bị treo đã phục hồi. So năm ngoái, diện tích thả nuôi cá tra năm 2018 của huyện là 92 ha (tăng 13ha), sản lượng 15.278 tấn (tăng 1.579 tấn).

“Người nuôi ngày càng am hiểu và nâng cao nhận thức nên ngày càng đảm bảo đạt chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ…

Hướng tới, huyện xác định giữ ổn định diện tích và tăng cường kiểm soát để tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, ông cũng cho hay, hiện có một số khó khăn như sản lượng cá giống các hộ trên địa bàn tự ương nuôi rất ít, không đáp ứng đủ, phần lớn nhập từ tỉnh khác- khó kiểm soát chất lượng và khá bấp bênh…

Bên cạnh thuận lợi về giá bán, thị trường xuất khẩu... cần quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh thuận lợi về giá bán, thị trường xuất khẩu... cần quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Khan hiếm giống, cung không đủ cầu còn là tình hình chung của tỉnh và khu vực ĐBSCL. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh có 67,68ha sản xuất kinh doanh giống cá tra (tăng gần 3ha so cùng kỳ) với 61 hộ; sản lượng ước đạt 59 triệu con, tăng 20,74 triệu so năm ngoái. 

Bên cạnh, có 3 cơ sở sản xuất cá bột với năng lực khoảng hơn 2 tỷ cá bột/năm nhưng thực tế trong năm nay chỉ đạt 180 triệu cá bột đạt 13,85% kế hoạch năm do cơ sở sản xuất của một công ty chuyển sang tỉnh khác. 

Nhìn chung, giống cá tra chủ yếu nhập tỉnh nên khó kiểm soát chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất (giống không bảo đảm chất lượng nên tỷ lệ hao hụt cao).

Trong khi đó, đến nay Vĩnh Long đạt 97,7٪ diện tích mặt nước hiện đang nuôi cá tra thương phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và VietGAP.

Tuy nhiên, tình hình duy trì tiêu chuẩn của các cơ sở này còn khá thấp, do chi phí đánh giá- chứng nhận của các tiêu chuẩn khá cao.

Chưa kể, giá sản phẩm có chứng nhận đạt tiêu chuẩn và sản phẩm không áp dụng tiêu chuẩn thì không có sự khác biệt, nên chưa khuyến khích được người nuôi duy trì tiêu chuẩn…

Ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam- cho hay, tình hình xuất khẩu cá tra thuận lợi từ năm 2017 kéo dài sang 2018 và nhìn về 2019.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những trở ngại của ngành cá. Đó là, “vấn đề xử lý môi trường ô nhiễm ở khu vực nuôi là một trong những hành xử quan trọng ảnh hưởng tính bền vững của ngành cá tra”.

Bên cạnh, khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung giống là vấn đề cực kỳ khó khăn mà “việc này cũng không thể giải quyết được trong thời gian ngắn”.

Mặt khác, công nghệ chế biến cần tiếp tục cải tiến, đặc biệt là những lĩnh vực về phòng nhiễm khuẩn, vi sinh…

Về thị trường, sự phát triển rất mạnh của thị trường Trung Quốc cũng… đáng lo “bởi biết đâu đến lúc nào đó họ sẽ giảm mua”.

Chưa kể, giá cá tăng lên nhiều thì sẽ kéo theo nhiều chi phí về thức ăn, nguyên liệu và các chi phí về hậu cần dịch vụ cũng sẽ gia tăng...

Trong trường hợp đó, nếu có dấu hiệu về thị trường suy yếu, giá giảm thì người nuôi hay khu vực chế biến sẽ gặp khó. Do vậy, cần đa dạng, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, chú trọng phát triển mạnh hơn thị trường trong nước…

Toàn tỉnh hiện có 203 cơ sở nuôi cá tra (tăng 2 cơ sở so năm 2017). Trong đó, có 22 công ty với 260,55ha, 181 hộ gia đình với 195,43ha. Diện tích đang thả nuôi 336,79ha, chưa thả lại 64,49ha, chuyển sang nuôi đối tượng khác 17,22ha (chủ yếu nuôi các loài thủy đặc sản như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá hô, cá bông lau, cá lóc, cá trê, ương cá giống....). Trong đó, còn 37,49ha diện tích treo ao.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN