Hàng Việt sẽ phải cạnh tranh từ "sân nhà"

Cập nhật, 14:44, Thứ Bảy, 13/10/2018 (GMT+7)

Hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng nhưng thời gian tới, phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Qua 9 năm thực hiện Cuộc vận động “Người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời góp phần quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có động lực phát triển sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã tích cực tham gia chuỗi liên kết giá trị, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, đáp ứng việc cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những hàng hóa ngày càng có chất lượng, giá thành hợp lý.

Chính phủ quyết tâm cao nhưng cấp dưới thực hiện chưa tới, chưa quyết liệt vì thế mà nhiều thủ tục hành chính vẫn chưa giảm, còn nhiều bất cập… việc tiếp cận vốn còn khó, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp Việt vẫn cao, khả năng ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để tăng hiệu quả, hạ giá thành vẫn còn khó khăn với doanh nghiệp Việt.

Công tác truyền thông còn nhiều vấn đề bất cập, vẫn hướng đến quảng bá cho các sản phẩm ngoại nhập…cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng tinh vi trên thị trường…

Hàng Việt sẽ phải cạnh tranh từ “sân nhà” khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.
Hàng Việt sẽ phải cạnh tranh từ “sân nhà” khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Do đó, cần những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để phát huy trách nhiệm của Doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

 “9 năm qua, năm nào lực lượng quản lý thị trường, ngành chuyên môn hết sức tập trung. TPHCM hàng nhập lậu từ biên giới các tỉnh có, hàng nhập khẩu từ cảng biển, hàng không cho nên đó là thách thức đối với người tiêu dùng,

họ không có khả năng phân biệt hàng gian, hàng giả. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trân chính khi sản xuất hàng chất lượng đảm bảo can kết với người tiêu dùng nhưng cũng bị hàng gian hàng giả tấn công” - ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch MTTQ TPHCM nói.

Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước hết là các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất xuống còn 0%-5%.

Việc Việt Nam cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hướng đến một nền kinh tế mở… thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt. Đây là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.

Theo Giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, và bản thân các doanh nghiệp Việt muốn tham gia được trước hết phải có hàng chất lượng cao, có thương hiệu để cạnh tranh với hàng nước ngoài.

GS. Lược cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể nhập được những bằng phát minh sáng chế; hỗ trợ đào tạo nhân lực, đặc biệt tạo điều kiện để họ có thể thuê được chuyên gia nước ngoài.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đề nghị: MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tập trung triển khai thực hiện Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.

Lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các hội nghị, sinh hoạt của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; gắn kết quả thực hiện Cuộc vận động với bình xét các danh hiệu thi đua của các tập thể, cá nhân ở địa phương, đơn vị./.

Theo VOV