Doanh nhân Vĩnh Long luôn đầy khát vọng

Cập nhật, 05:34, Thứ Sáu, 12/10/2018 (GMT+7)

Doanh nghiệp, doanh nhân Vĩnh Long là lực lượng trụ cột đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Cùng với việc lãnh đạo tỉnh quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh nhân Vĩnh Long luôn đầy khát vọng, chủ động đổi mới sáng tạo tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, phát triển sản phẩm địa phương.

Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, với dây chuyền sản xuất tiên tiến.
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, với dây chuyền sản xuất tiên tiến.

Từ trăn trở, hoài bão đến hành động

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân với khát vọng làm giàu cho doanh nghiệp và nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất.

Những cơ sở nhỏ “mần nhà”, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở quanh xóm, đã vượt qua “tự ti” và tự tin bước ra thị trường.

Là cơ sở đi lên từ nghề truyền thống 3 đời của gia đình anh Trần Thanh Trung- Chủ hộ kinh doanh- cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Bích (Vũng Liêm)- rút kinh nghiệm: “Tôi đổi cách thức sản xuất, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã sao cho đẹp mắt hơn, quan trọng nhất là chất lượng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Nhờ đó, sản phẩm cốm gạo- cốm nếp Ngọc Bích ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng ở thị trường trong tỉnh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ… với sản lượng trên 1,2 tấn/tháng”.

Theo nhiều doanh nghiệp, bất kỳ bước thay đổi nào cũng cần có thời gian để kiểm chứng. Từ suy nghĩ, “vượt qua được cái khó thì sẽ đứng rất vững vàng”- ông Nguyễn Chí Thiện- chủ Cơ sở sản xuất Tương hột Phước Khang- đã tìm cách xâm nhập thị trường khó tính và chỉ dẫn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình.

Đối với anh Thiện, trên con đường kinh doanh không được giậm chân tại chỗ, mà phải luôn tìm tòi, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, cải tiến đầu tư kỹ thuật công nghệ sản xuất mới nâng cao năng suất và chất lượng
sản phẩm.

Trong khi đó, đối với những bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp, anh Ngô Hữu Anh Khôi- Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nguyên Khang Vĩnh Long- cho rằng:

“Mở một con đường không khó, mà quan trọng phải xác định hướng đi đúng”. Mà theo anh Khôi, xác định đúng mục tiêu, nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, có người vợ đồng hành và người thân ủng hộ… là những yếu tố giúp anh mạnh dạn làm rau sạch và tự tin sẽ có đầu ra.

Điều đó cho thấy nông nghiệp vẫn là “mảnh đất màu mỡ”, những sản phẩm có nguồn gốc địa phương còn rất nhiều tiềm năng và thị trường luôn ủng hộ những cách làm hay, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Nói như ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh: “Lực lượng doanh nhân hiện có và các bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp cần nuôi dưỡng niềm tin, không hẳn để tạo ra một sự thay đổi lớn mà phải có sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan chính quyền để hỗ trợ những ý tưởng, niềm tin đó lớn mạnh”.

Môi trường đầu tư thuận lợi, hệ sinh thái khởi nghiệp đã mở

Cơ sở sản xuất Bún Ba Khánh được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại.
Cơ sở sản xuất Bún Ba Khánh được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại.

Một chuyên gia nhận định: “Một địa phương có số lượng doanh nghiệp trên đầu người thấp cũng là địa phương phát triển chưa mạnh. Đó là thiệt thòi trong quá trình phát triển kinh tế”.

Ngay trong nội tại, một số doanh nhân Vĩnh Long cũng cho rằng “cảm thấy tự ti” là “doanh nhân Vĩnh Long tương đối… hiền và số lượng doanh nghiệp khiêm tốn so với các tỉnh ĐBSCL khác”.

Ông Nguyễn Tường Nam cho rằng số lượng doanh nghiệp Vĩnh Long trên đầu người thấp ở ĐBSCL, tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp đủ lớn làm “đầu tàu”.

Chính vì thế, tỉnh cần huy động nhiều nguồn lực và bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động thì mới thoát ra khỏi “sức ì” để phát triển, tận dụng những lợi thế tại chỗ.

Hiện nay, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chỉ đạo đã có của trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế…

Tỉnh Vĩnh Long cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chính sách theo thẩm quyền được giao.

Đồng thời, xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực cho doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- khẳng định:

“Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế, góp phần tích cực giải quyết việc làm, đóng góp lớn cho công tác an sinh xã hội…”.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh… bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.

“Tỉnh Vĩnh Long luôn tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, để phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh”- ông Lê Quang Trung khẳng định.

Ông Lê Quang Trung:Phát triển doanh nghiệp cả số lượng và chất lượng

Nhiệm vụ của năm 2018 và những năm tiếp theo của tỉnh Vĩnh Long là rất năng nề, doanh nghiệp chúng ta phải phát triển cả về số lượng và chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ, quan tâm của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận thức rõ những thách thức, thời cơ trước mắt và trong tương lai để giành những thắng lợi lớn hơn, tạo uy tín trên thương trường, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: NHÓM PV