Khuyến công- hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Cập nhật, 13:22, Thứ Năm, 30/08/2018 (GMT+7)

Tính khả thi thấp, thiếu sự đa dạng và liên kết vùng, chuỗi liên kết... là những hạn chế trong các đề án khuyến công của các tỉnh- thành phía Nam.

Những hạn chế này đã được đề cập đến tại hội nghị khuyến công của 20 tỉnh- thành khu vực phía Nam lần thứ IX, năm 2018 vừa diễn ra tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương Đồng Tháp tổ chức.

Khuyến công- hỗ trợ rất lớn vào sản xuất kinh doanh.
Khuyến công- hỗ trợ rất lớn vào sản xuất kinh doanh.

Hội nghị nhằm tổng kết và đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác khuyến công thời gian qua; nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công từ nay tới cuối năm.

Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công thương địa phương cho rằng, hoạt động khuyến công của các tỉnh- thành phía Nam ngày càng đa dạng và phong phú hơn, bám sát mục tiêu, kế hoạch chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.

Qua đó, đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

Hoạt động khuyến công góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tháo gỡ phần nào những khó khăn về vốn đầu tư, nhu cầu việc làm của người dân.

Năm 2017, tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 20 tỉnh- thành khu vực phía Nam là 57,615 tỷ đồng, đạt 84,12% so với kế hoạch năm là 68,495 tỷ đồng, tăng 2,61% so với tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2016.

Năm 2018, nguồn kinh phí khuyến công cho toàn vùng là 73,781 tỷ đồng và trong 7 tháng đầu năm, tổng mức kinh phí đã thực hiện đạt 19,62 tỷ đồng, tương đương 26,59% kế hoạch năm.

Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện 7,03 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương là 12,6 tỷ đồng.

Khuyến công góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn.
Khuyến công góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì một số mặt của công tác khuyến công tại khu vực vẫn còn hạn chế như: việc xác định những ngành nghề, sản phẩm tại một số địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển vẫn chưa rõ nét, nhiều nội dung hoạt động chưa được triển khai.

Đại diện một số trung tâm khuyến công cũng cho rằng, cán bộ làm công tác khuyến công tại các xã- thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, nghiệp vụ công tác khuyến công hạn chế, chưa có kinh nghiệm, thường xuyên luân chuyển ảnh hưởng đến công tác tư vấn.

Cục Công thương địa phương đã đề nghị các sở công thương theo dõi, đôn đốc thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện;

nghiệm thu cơ sở và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công thực hiện trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành; kịp thời đề nghị tạm ứng kinh phí thực hiện đề án, thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí theo quy định.

Ông Ngô Quang Trung cũng yêu cầu các trung tâm khuyến công cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2018.

Dự án có vấn đề chậm trễ, khó khăn cần báo cáo sớm để đưa ra các giải pháp hỗ trợ, đồng thời cần xây dựng khuyến công giai đoạn theo từng vùng, cải cách thủ tục hành chính phát triển doanh nghiệp.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG