Làm gì để chợ truyền thống lấy lại sức hút?

Kỳ cuối: Để chợ tăng sức hút: Đổi mới hay chịu thua?

Cập nhật, 05:11, Thứ Bảy, 07/07/2018 (GMT+7)

Trước sức ép, sự cạnh tranh của các kênh phân phối khác, hiện nhiều chợ đang có dấu hiệu đuối sức. Trong khi một số tiểu thương (TT) buông xuôi thì cũng có không ít người tự làm mới mình, thay đổi, năng động để tìm cách thu hút khách hơn.

Theo nhiều người, chợ truyền thống sẽ không mất nhưng muốn tồn tại và phát triển thì rất cần sự chung tay hỗ trợ của ngành chức năng trong công tác quy hoạch và nỗ lực của TT làm sao tạo lòng tin cho khách hàng lẫn nâng cao ý thức của người tiêu dùng (NTD).

Tiểu thương cần năng động, đổi mới để kéo khách về chợ truyền thống.
Tiểu thương cần năng động, đổi mới để kéo khách về chợ truyền thống.

Chợ sẽ không mất

Theo Sở Công thương, hiện nay, mạng lưới chợ là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Nhìn chung, các chợ đã đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân. Chợ đóng vai trò lớn trong tiêu thụ hàng hóa khu vực nông thôn, tạo ra kênh tập trung thương mại hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác.

Theo ông Lê Minh Tâm- Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng Vũng Liêm: Thời gian qua nhờ đầu tư, nhìn chung bộ mặt chợ đã có nhiều thay đổi, khang trang hơn, đảm bảo vẻ mỹ quan hơn, đồng thời, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, có ban quản lý điều hành chợ.

Dù sức mua ở chợ có giảm, song, người dân nông thôn hiện nay vẫn còn ưu tiên mua hàng ở chợ, bởi chợ thuận mua vừa bán, dễ hơn ở siêu thị hay trung tâm thương mại.

Thực tế cho thấy, người dân nông thôn- nhất là những người có thu nhập trung bình và thấp- vẫn còn ưa chuộng chợ.

Bởi đây là tập quán từ rất lâu, bởi chợ có những tiện ích mà không có trung tâm mua sắm nào có được, như: gần nhà luôn được mua thức ăn tươi ngon, hàng hóa cũng phong phú, đa dạng, có thể “ký sổ” và “khách mối” còn được giảm giá đặc biệt.

Tuy nhiên, chợ đang giảm sức hút bởi sự phát triển ngày càng mạnh của các kênh phân phối khác, kèm theo đó là những bê bối thực phẩm bẩn đã khiến chợ dần mất điểm, mất lòng tin ở NTD.

Trong khi đó, một bộ phận TT cũng chưa chịu thay đổi văn hóa bán hàng mà vẫn có tư tưởng thích thì bán, không thích thì thôi nên không ít NTD ngán vào chợ vì… sợ TT.

Theo nhiều TT, đã qua rồi cái thời “trăm người bán, vạn người mua”, chợ truyền thống bây giờ đang phải cạnh tranh khốc liệt.

Trong khi kênh phân phối hiện đại có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, được sự tin tưởng về an toàn thực phẩm thì đồ la lại có ưu thế về giá rẻ, tiện lợi.

Dễ thấy nhất là trong các dịp lễ tết, ngày cuối tuần, siêu thị, trung tâm thương mại thì đông nghịt khách đến mua sắm trong khi ở chợ thì khá đìu hiu, vắng vẻ.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- nhận định: Chợ truyền thống tuy bị cạnh tranh nhưng sẽ không mất, song cần phải thay đổi.

Hiện chợ đang bị một số điểm trừ. Cụ thể như về giá cả, đến chợ người dân luôn có tâm lý phải trả giá, chợ vẫn còn chuyện người bán nói thách. Đây dần dần trở thành “quy luật” và điểm trừ nặng nhất của chợ.

Bên cạnh đó, hơn hết là thái độ bán hàng chưa chuyên nghiệp của TT, hàng hóa còn chưa có sự đảm bảo an toàn. Do đó, còn rất nhiều điều phải làm nếu muốn tăng sức hút cho chợ.

TT: thay đổi hay chịu teo tóp, rồi “chết”?

Để tạo sức hút cho chợ, theo ông Nguyễn Văn Còn: Hiện nay môi trường cạnh tranh công bằng, kênh phân phối hiện đại phục vụ theo hướng văn minh an toàn lịch sự, kèm theo đó, nhu cầu của NTD ngày càng cao, NTD chuyển sang lựa chọn kênh bán hàng đảm bảo sức khỏe.

Trong khi đó, chợ phục vụ NTD theo tính tự cung tự cấp, đa thu nhập của người dân. Trong đó, có cả mặt hàng chất lượng lẫn không chất lượng.

Do đó, chợ muốn tồn tại phải thay đổi về giá, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời TT cũng phải có nghệ thuật bán hàng, theo hướng văn minh lịch sự.

Cụ thể, phải sắp xếp ngành hàng sao cho đẹp mắt, văn minh, niêm yết giá cụ thể, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, phải chuyển đổi sang hướng an toàn sạch sẽ.

Bên cạnh đó, ngành chức năng ở địa phương phải tăng cường quản lý chợ đêm, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Song song đó, NTD cũng phải thông thái, phải biết lựa chọn thông minh chọn hàng chất lượng đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Hiểu được những khó khăn mà chợ đang gặp phải, thời gian qua, Ban Quản lý chợ Vĩnh Long cũng đã có nhiều giải pháp để kéo khách về cho TT.

Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, vai trò quản lý của ngành chức năng cần được tăng cường.
Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, vai trò quản lý của ngành chức năng cần được tăng cường.

Bà Nguyễn Thị Yến Xuân- Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long- cho hay: Ban Quản lý chợ đã cho dọn dẹp lối đi cho thông thoáng để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trước đây TT lấn chiếm lối đi, nhiều quầy hàng tù túng nên khách cũng ngán đi. Bên cạnh đó, còn kết hợp quản lý thị trường, trạm thú y kiểm tra chất lượng hàng hóa ở chợ.

Đồng thời, tuyên truyền cho TT trên phát thanh vừa tuyên truyền qua các cuộc họp đoàn thể về tiêu chuẩn bán hàng văn minh: vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, ăn nói lịch sự hòa nhã...

Hiện nay, đã có hơn 50% TT thay đổi cách bán hàng, song song đó, TT ý thức hơn trong việc nhập hàng hóa sao cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa được chú trọng. Đây chính là lợi thế của chợ với các kênh phân phối hiện đại.

Còn ông Nguyễn Văn Tươi- Ban Quản lý chợ thị trấn Vũng Liêm- cho biết: Ban Quản lý cũng thường xuyên tuyên truyền kiểm tra chất lượng hàng hóa ở chợ, an toàn thực phẩm, niêm yết giá, lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời cũng đã có hướng nâng cấp một số sạp rau củ quả để thông thoáng cho lối đi, tạo điều kiện thuận lợi cho TT mua bán hơn.

Bên cạnh đó, mong TT vệ sinh nơi bán sạch sẽ bán hàng chất lượng, giá cả phải chăng, sẽ thu hút NTD, bán hàng phải vui vẻ, cởi mở.

“Đợi người cứu thay vì tự mình cứu mình trước”- để chợ vừa là nơi để mưu sinh vừa là “ngôi nhà” thứ hai của mình- trước hết cần sự thay đổi về nhận thức lẫn hành động của TT.

TT cần linh hoạt trong hoạt động quảng bá, có phương pháp thu hút khách mua, không cắt xén các ưu đãi làm giảm sự hấp dẫn của sản phẩm. Đồng thời, cần có sự ổn định về giá, nguồn hàng đảm bảo được chất lượng, môi trường kinh doanh thân thiện, sạch sẽ, có như vậy mới ghi điểm trong mắt NTD.

Song song đó, ngành chức năng cần quyết liệt xử lý chợ tự phát- đang mọc lên tràn lan, tăng cường kiểm tra hàng hóa, chất lượng ở các chợ đêm để đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh.

Đồng thời, trong công tác quy hoạch chợ cũng cần có cái nhìn thấu đáo, suy xét cẩn trọng hơn để tránh tình trạng xây chợ rồi bỏ, lãng phí như ở một số địa phương khác.

Văn hóa chợ truyền thống khó có thể bị lãng quên khi người dân vẫn có thói quen đi chợ không chỉ để mua hàng hóa mà còn để gặp gỡ, trao đổi thông tin.

Nhưng chợ truyền thống cần phải thực hiện một cuộc “cách mạng” mạnh mẽ về văn hóa kinh doanh, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của NTD.

Mạng lưới chợ đóng vai trò quan trọng trong bán buôn, bán lẻ, trong ngành thương mại Vĩnh Long, hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Vĩnh Long hướng đến phát triển mạng lưới chợ theo các tiêu chí sau:

Ưu tiên phát triển chợ theo vùng xã- phường- thị trấn; xây dựng các chợ đạt tiêu chí quy định, hướng về chương trình mục tiêu Nông thôn mới tại các xã và tiêu chí chợ đô thị theo kiểu truyền thống tại các phường, thị trấn,… Hình thành một số chợ đêm, kết hợp phố đi bộ như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh.

Bài, ảnh: THẢO LY