Sản xuất sạch hơn

Lợi cho doanh nghiệp, ích cho môi trường

Cập nhật, 15:32, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

 

Nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn, nhiều doanh nghiệp đã giảm được chi phí, giảm mức độ ô nhiễm môi trường.
Nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn, nhiều doanh nghiệp đã giảm được chi phí, giảm mức độ ô nhiễm môi trường.

Áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), doanh nghiệp (DN) không chỉ lợi đủ đường về giảm chi phí, nhân công, tăng năng suất, khả năng cạnh tranh mà còn giúp giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Không phải các DN lớn mới có đủ lực để áp dụng quy trình SXSH mà ngay cả DN nhỏ cũng có thể áp dụng miễn cơ sở, DN quyết tâm.

“Tôi đã thay đổi và tôi đã thành công”

Theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, trong những năm gần đây cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, để đạt được sự phát triển bền vững, phải có những chiến lược hữu hiệu đảm bảo sự cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Tại Vĩnh Long, thực hiện chiến lược SXSH, từ năm 2010, Sở Công thương tỉnh đã tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức áp dụng SXSH trong công nghiệp.

Qua đó, nhận thức của các DN đã có chuyển biến khá tích cực, DN đã thấy được lợi ích trong việc áp dụng SXSH và đã từng bước thay đổi phương thức quản lý, đầu tư cải tiến công nghệ, sử dụng tiết kiệm nguyên- nhiên liệu, giảm phát sinh chất thải.

Điển hình như cơ sở sản xuất bún- bánh phở Ba Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Nếu như trước đây rất lo vì nước thải ra môi trường còn chưa đảm bảo, tốn nhiều chi phí để xử lý thì từ khi đầu tư hệ thống, nước thải ra môi trường sạch hơn, đảm bảo vệ sinh.

Bà Lưu Kim Phụng- chủ cơ sở- vui mừng cho hay: “Hệ thống đã xua tan nỗi lo về vấn đề phát sinh chất thải, giúp bảo đảm môi trường tại cơ sở và các nơi lân cận không bị ô nhiễm gây ra do tác động của nước thải từ quá trình sản xuất.

Nhờ mạnh dạn thay đổi mà tôi đã thành công trong việc giảm chi phí, tăng cao hiệu suất sản xuất, đồng thời cũng thân thiện với môi trường hơn”.

Không chỉ vậy, cơ sở còn chủ động cải tiến, nâng cấp nhà xưởng sản xuất, chuyển từ sản xuất thủ công sang máy móc, thiết bị hiện đại.

Nhờ đó mà tiết kiệm được 50- 60% lượng nước phát sinh. Và thành tích đáng khích lệ, Ba Khánh- cơ sở sản xuất đầu tiên trong ngành sản xuất bún- bánh phở đã đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2005- tiêu chuẩn quốc tế mới về an toàn thực phẩm.

Đây là tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu về đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp- nhà sản xuất- nhà phân phối- người tiêu dùng. Nhờ đó mà cơ sở đã xâm nhập được vào các kênh phân phối hiện đại và khó tính như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng…

Nhiều cơ sở, DN tại Vĩnh Long cũng đã chuyển cách thức sản xuất sang sử dụng lò hơi, bồn cô đặc hút chân không… để nâng cao năng suất, đồng thời giảm phát sinh chất thải ra môi trường.

Cơ sở, DN cần quyết tâm thực hiện

Ông Lê Bá Việt Bách- chuyên gia về SXSH- Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (Bộ Công thương) nhận định: SXSH là khái niệm đã khá quen thuộc với nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, đã có ngày càng nhiều DN nhận thức đầy đủ và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, thu được hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Tuy DN đã ý thức hơn về SXSH nhưng số lượng DN thực hiện vẫn còn hạn chế, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả chưa đạt mục tiêu và tiến độ đề ra.

Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn.
Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn.

Công tác đào tạo về kiến thức SXSH cho nhân viên kỹ thuật chưa được DN chú trọng. Cái khó hiện nay khi triển khai hỗ trợ áp dụng SXSH là trước tiên phải đánh giá nhanh tình trạng sản xuất. Tuy nhiên, DN còn lơ là, tâm lý ngại thay đổi nên khó thực hiện.

Trong khi đó, với một số cơ sở, DN vừa và nhỏ, khi được hỏi vì sao không hay chưa áp dụng SXSH thì cơ sở than khó “vốn đầu tư nặng, phải đầu tư nhiều, nhân viên phải có trình độ hiểu biết nhất định, cơ sở nhỏ nên làm “tèng tèng” cũng được”!

Về vấn đề than “khó về vốn” của cơ sở, DN, ông Lê Thanh Phong giải đáp rằng: Không phải chỉ có DN lớn mới có “lực” áp dụng SXSH mà ngay cả các cơ sở nhỏ vẫn có thể áp dụng.

Chỉ cần cơ sở, DN có quyết tâm, mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, muốn tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường thì đều có giải pháp thực hiện.

Bởi muốn áp dụng SXSH cái cần thiết và quan trọng nhất là thay đổi hành vi, thay đổi tư tưởng “làm tới đâu hay tới đó”. Với cơ sở nhỏ, chỉ cần thay đổi cách bố trí, sắp xếp máy móc, thiết bị, con người, cũng đã phần nào cải thiện được tình trạng sản xuất từ “chưa sạch” sang “sạch hơn”.

Song, về lâu về dài, cơ sở, DN phải có chiến lược sản xuất cụ thể, rõ ràng- nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Bởi hiện nay, SXSH là con đường tất yếu- DN phải đi- để tồn tại và để phát triển trong giai đoạn kinh tế hội nhập như hiện nay.

Để đảm bảo định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đến năm 2020, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt “chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” kèm theo nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ có liên quan với mục đích SXSH, được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở, DN sản xuất công nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên- nhiên- vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

Bài, ảnh: THẢO LY