Nâng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng

Cập nhật, 21:08, Thứ Tư, 13/06/2018 (GMT+7)

Xác định tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí “động”, khó thực hiện và khó bền vững, nên sau khi về đích nông thôn mới (NTM) nhiều địa phương đã bắt tay đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giúp các nông hộ nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Qua đó, tạo tiền đề để các địa phương giữ vững và nâng chất tiêu chí thu nhập theo lộ trình hàng năm.

Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp đã giúp cho nhiều nông hộ nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp đã giúp cho nhiều nông hộ nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Thêm thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng

Chúng tôi đến ấp Nhì A (xã Chánh Hội- Mang Thít) nhân lúc gia đình anh Võ Văn Tám đang thu hoạch thanh long ruột đỏ. Theo anh Tám, “vụ này tui nhẩm tính thu được 80- 90 triệu đồng/công”. Tuy vốn đầu tư ban đầu hơi cao nhưng các hộ gần đây đã thấy được hiệu quả từ mô hình này mang lại nên đang đổ nọc trồng thanh long.

Trước đây, anh Tám có 8 công lúa, vụ nào trúng lắm thì lời khoảng 2 triệu đồng/công. Qua sự vận động của địa phương, anh đã mạnh dạn chuyển từ ruộng lên vườn trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ vậy, anh thấy “sống khỏe” hơn trước rất nhiều do đồng tiền thu vào “rộng rãi” hơn.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh rợp mát được trồng xen cây hạnh, anh Lê Văn Út cho biết: “Chỉ với 3 công vườn nhưng nhờ biết “lấy ngắn nuôi dài” mà kinh tế gia đình tui cũng khá ổn. Thông thường, trồng khoảng 8 tháng là cây hạnh bắt đầu cho trái, tui bán cho các hộ làm kiểng ở huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Còn cây bưởi da xanh, nếu biết đầu tư kỹ thuật đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao, lời hơn 90 triệu đồng/công/năm”.

Theo ông Võ Tấn Khải- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã, thời gian qua, BCĐ xã đã đẩy mạnh việc thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp thông qua tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, cùng với đó là các dự án do tỉnh, huyện đầu tư mang lại hiệu quả, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: trồng thanh long ruột đỏ, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ; trồng rau nhút thu nhập 90 triệu đồng/ha/tháng; dưa leo, bí, bắp cho thu nhập 60- 80 triệu đồng/ha/vụ; trồng dưa hấu thu nhập 25 triệu đồng/ha/vụ.

Bên cạnh, xã còn có nhiều mô hình dự án được tỉnh, huyện đầu tư khá hiệu quả như: hỗ trợ 24 con bò giống, đến nay đã phát triển 54 con; dự án bưởi da xanh (27,3ha); trồng nhãn Ido, nhãn xuồng (4,2ha); nuôi gà đệm lót sinh học (6.400 con), cho thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/100 con; trồng nấm rơm (17ha), thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với đó là kết hợp với các mô hình sản xuất có hiệu quả trước đây được nhân rộng, đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2017 lên 37,1 triệu đồng/người/năm, tăng 7,99 triệu đồng so thời điểm công nhận

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đến nay diện tích trồng lúa của huyện Tam Bình đã giảm 2,3% so cùng kỳ (355ha), chủ yếu là chuyển sang trồng cam, thanh long, cây màu... Hiện, huyện đang triển đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng trồng “2 lúa- 1 màu” tại các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ và “2 lúa- 1 cá” tại xã Mỹ Lộc. Đồng thời, thực hiện mô hình bao tiêu sản phẩm vụ Đông Xuân (397ha) và xây dựng vùng sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm (4ha) ở xã Ngãi Tứ.

 

Để thu nhập đạt trên 41 triệu đồng/người/năm

Đến ấp Đông Phú (xã Ngãi Tứ- Tam Bình), chúng tôi thấy anh Bạch Văn Dũng đang tưới nước cho đám cải xanh tốt. Vừa ngơi tay, anh Dũng xởi lởi nói: “Trước đây, tui có 12 công đất ruộng trồng lúa nhưng bị chuột bọ cắn phá nhiều, thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Từ năm rồi, tui chuyển 2 công ruộng lên vườn trồng bưởi Năm Roi và chuyển 10 công ruộng lên làm rẫy, nhờ vậy mà cuộc sống giờ “ngon lành hơn” do bán rau màu có giá cao hơn. Bình quân mỗi lứa rau tui lời được 5 triệu đồng/công”.

Qua tham dự các lớp tập huấn về trồng trọt của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, anh Dương Văn Bé Ba đã chuyển toàn bộ diện tích lúa (25 công) sang trồng bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Cạnh mé mương thì trồng thêm mít siêu sớm để có thêm nguồn thu. Đến nay, cây đã được 3 năm tuổi, cho hiệu quả khá cao. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh khá ổn định.

Ngoài ra, anh Bé Ba còn được Trung tâm Giống (Sở Nông nghiệp- PTNT) hỗ trợ mua 20 con heo giống (2,1 triệu đồng/con) để phát triển chăn nuôi. Đến nay, đàn heo đã lên tới cả trăm con. Với việc làm giàu, anh Bé Ba còn tạo thêm việc cho 2 lao động thường xuyên cùng nhiều lao động thời vụ.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngãi Tứ, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- Nguyễn Minh Trường, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã là 37,017 triệu đồng/năm, tuy đạt so yêu cầu nhưng chưa cao, chưa bền vững. Theo Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ thì thu nhập bình quân đầu người năm 2018 phải đạt từ 41 triệu đồng/người/năm trở lên.

Do đó, BCĐ xây dựng NTM xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi; đưa cây, con giống mới có năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình ươm cây con, đưa cây màu xuống ruộng, trồng thanh long ruột đỏ...

Đồng thời, đẩy mạnh các làng nghề đan thảm lục bình, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã; phối hợp với huyện mở các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ và giải quyết việc làm nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân

Hiện, Mang Thít có 5.648ha trồng cây ăn trái, trong đó có 86% vườn đang cho trái, sản lượng 36.139 tấn, tăng 575 tấn. Riêng cây thanh long có 75,65ha, tăng 2,55ha so cuối năm rồi. Phong trào ươm cây giống đang phát triển mạnh với tổng diện tích 63,45ha, gồm các loại: mít, sầu riêng, chôm chôm. Nhìn chung, các loại cây trái có giá bán khá cao nên nông dân thu lời khá.

 


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI