Góc nhìn

Lo sức khỏe- đánh thuế đặc biệt nước ngọt

Cập nhật, 19:08, Thứ Ba, 12/06/2018 (GMT+7)

Tại dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT)... Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa) sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng. Căn cứ được Bộ Tài chính đưa ra để đánh thuế là do tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở Việt Nam ngày càng tăng (chiếm khoảng 25% dân số) và các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cho rằng các lý do Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ thuyết phục. Đối với lý do bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần có bằng chứng khoa học về nước ngọt là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường và béo phì. Và liệu việc tăng thuế sẽ có tác động tích cực đối với sức khỏe!

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất của Bộ Tài chính có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây… Chi phí sản xuất sẽ tăng lên đồng nghĩa tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động.

Hiện cả nước có khoảng 134 doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đang sản xuất nước giải khát. Năm 2016, toàn ngành đóng góp cho ngân sách khoảng 48.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% ngân sách nhà nước, đứng thứ 2 sau ngành dầu khí.

Trong khi chưa có căn cứ cụ thể nước ngọt là nguyên nhân dẫn đến việc được lựa chọn để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thì lý do “nước ngọt ảnh hưởng xấu tới sức khỏe” chưa thực sự thuyết phục. Vì thế, cần có nghiên cứu đầy đủ, lý giải phù hợp và thuyết phục hơn.

HOÀNG MINH