Nuôi ồ ạt, cá tra giống khan hiếm

Cập nhật, 05:12, Thứ Năm, 19/04/2018 (GMT+7)

“Cơn sốt” giống cá tra từ nguồn cung đến giá cả đang xảy ra tại nhiều tỉnh- thành ĐBSCL khi nông dân ồ ạt thả nuôi. Nhiều chuyên gia lo ngại cuộc “khủng hoảng thừa” cá tra nguyên liệu lại xảy ra như năm 2011, trong khi nguồn giống cá hiện phần lớn vẫn mua trôi nổi ngoài thị trường.

Chất lượng giống cá tra đang là vấn đề khiến nhiều người nuôi lo lắng.
Chất lượng giống cá tra đang là vấn đề khiến nhiều người nuôi lo lắng.

Con giống đạt không cao

Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL và Tổng Cục thủy sản, năm 2017 toàn vùng nuôi mới 3.524ha cá tra, tăng 15% so với cùng kỳ.

Các địa phương thả nuôi mới nhiều là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long. Cũng trong năm 2017, cá tra nguyên liệu ở mức khá cao từ 24.000- 30.000 đ/kg. Riêng các tháng đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu loại 1 ở mức 28.500- 30.000 đ/kg.

Giá cá tra giống cũng ở mức rất cao. Nếu đầu năm 2017 giá cá giống từ 27.000- 39.000 đ/kg (loại 30 con/kg), thì cuối năm nhảy vọt lên 45.000- 50.000 đ/kg. Những tháng đầu năm 2018 giá cá tra giống ở mức ngất ngưởng 64.000- 75.000 đ/kg (loại 30 con/kg) và 70.000- 81.000 đ/kg (loại 50 con/kg).

Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là phần lớn cá tra giống chủ yếu trôi nổi, tỷ lệ hao hụt khá cao. Ông Phan Thanh Liêm (xã Chánh An- Mang Thít) cho biết, cá giống sống nhiều hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích cỡ cá, nguồn ương.

Tuy nhiên, nếu cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ cá giống sống từ 50- 70%, thì hiện chưa được 50%. “Cá giống chết nhiều có hiện tượng người ương ép trứng cá non, chưa đến ngày tháng trứng đủ chất lượng nên cá giống không đạt tiêu chuẩn.

Ở đây có trường hợp, thả 8 tấn cá con xuống ao 3.000m2 nhưng chỉ còn sống sót chừng 2 tấn. Giá cá thương phẩm lên cao nên nhiều người ham thả nuôi kiếm lời nhưng rốt cuộc phần lời lại không đủ để mua cá giống”- ông Liêm cho hay.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2017, cả nước có 109 trại sản xuất giống và hơn 1.800 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đã cung cấp trên 2.000 tỷ con giống, đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi thương phẩm nhưng tại một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng thiếu giống cục bộ.

Tính đến 31/3/2018, diện tích thả ương cá bột tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ có hiệu quả thấp, do cá chết cấp tính tại thời điểm 15- 21 ngày tuổi hoặc trên 30 ngày tuổi, do bị bệnh gan thận mủ hoặc toàn mình cá bông xù, thối đuôi.

Mật độ ương khá dày (khoảng 1.000 con/m2, so với khuyến cáo là tối đa 700 con/m2) đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng.

Xuất giống cá tra 3 cấp

Để đạt được kế hoạch sản xuất 2,2 tỷ cá giống, sản lượng trên 1,3 triệu tấn, phát triển bền vững ngành hàng cá- một trong những giải pháp cụ thể mà Tổng cục Thủy sản đề ra đó chính là thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá.

Theo đó, trọng tâm của việc thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra được tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi, gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường.

Cải thiện chất lượng ngành cá là một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện.
Cải thiện chất lượng ngành cá là một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện.

PGS- TS. Lê Thanh Hùng- giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng thời gian qua ngành hàng cá tra làm tốt khâu liên kết từ người nuôi, đông lạnh thức ăn nhưng chỉ riêng con giống chúng ta “chừa ra”.

Trước đây, có rất nhiều công ty cũng đã làm trại giống nhưng không hiệu quả, cuối cùng để cho tư nhân làm, nông dân làm, vì nghĩ nông dân làm tốt hơn.

Nhưng đến thời điểm này theo dõi thì tỷ lệ sống từ nuôi con cá bột cho đến khi con cá nuôi được 2,5- 3 tháng tỷ lệ sống chỉ còn 10%, hộ nào nuôi sống trên 10% là tốt. Vì sao cá tra giống nuôi tỷ lệ sống thấp?

PGS- TS. Lê Thanh Hùng đặt vấn đề đồng thời cho rằng, người nuôi thường thích cá tra giá rẻ, thả nuôi buộc phải sử dụng nhiều kháng sinh, vì thế, “các công ty phải nhảy vào cuộc nếu không tình hình này cá giống sẽ khan hiếm”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phải tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống, như sử dụng chế phẩm sinh học, vắc xin, ương trong nhà mát để tăng sức đề kháng cho cá giống, chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ, hậu bị, giống có chất lượng theo yêu cầu sản xuất.

Ngoài ra, phổ biến và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn; thực hiện nghiêm túc nghị định về quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm, từng bước đưa các tiêu chuẩn như BAP, GlobalGAP vào cơ sở sản xuất giống.

Cùng với việc nâng cao chất lượng giống cá tra, mới đây Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đã ban hành Đề án: “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, nhằm góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng theo đề án này, đến năm 2020 các chuỗi sản xuất giống cá tra đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL (nhu cầu toàn vùng từ 2,2 đến 2,5 tỷ cá tra giống) và đến năm 2025 đáp ứng 100% nhu cầu.

Theo đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, từ nay đến năm 2025, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung gồm 3 vùng tại An Giang với tổng diện tích 350ha, 3 vùng tại Đồng Tháp với tổng diện tích 400ha.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THẢO LY