Cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa

Cập nhật, 21:45, Chủ Nhật, 15/04/2018 (GMT+7)

Ngày 11/4/2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của tỉnh Vĩnh Long.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2017, Vĩnh Long đã cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh cùng sự kiến tạo của chính quyền địa phương, dù vậy, tỉnh cần nỗ lực cải cách tích cực hơn nữa để tạo lợi thế thu hút đầu tư và tạo niềm tin cho doanh nghiệp (DN).

Vĩnh Long tăng cường quảng bá hình ảnh, cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
Vĩnh Long tăng cường quảng bá hình ảnh, cải thiện môi trường thu hút đầu tư.

Những điểm mạnh

Trong báo cáo kết quả PCI năm 2017 của Vĩnh Long, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư trình bày những điểm mạnh và điểm yếu khá đầy đủ, cụ thể.

Theo đó, kết quả do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 22/3/2018, Vĩnh Long xếp hạng 6/63 tỉnh- thành trong cả nước, tiếp tục duy trì thứ hạng cao so với năm 2016, đứng vị trí thứ 4 khu vực ĐBSCL và thuộc nhóm “Tốt” của cả nước.

Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của Vĩnh Long, là dấu hiệu tích cực khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, DN thực hiện các thủ tục, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… giúp DN nhanh chóng khởi sự kinh doanh.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh năng động trong tạo lập môi trường kinh doanh cho DN, đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng DN định kỳ mỗi quý nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của DN.

Đồng thời, tỉnh năng động sáng tạo trong giải quyết những vấn đề mới phát sinh, cam kết về thời hạn phản hồi cho DN đối với các trường hợp liên quan đến chính sách của Trung ương, cũng như ghi nhận và kiến nghị đến cơ quan cấp trên những vấn đề không thuộc quyền giải quyết của tỉnh.

Công khai, minh bạch hóa các quyết định về chính sách, trợ giúp thông tin đối với DN. Tỷ lệ phần trăm (%) DN sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tăng, như dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn về pháp luật, xúc tiến thương mại, đào tạo về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh và có xu hướng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trong thời gian tới.

Điểm mạnh đáng chú ý nữa là DN đánh giá cao nguồn lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN (đạt 94,1%).

Đội ngũ CB-CC có phong cách phục vụ nhiệt tình thân thiện, hướng dẫn rõ ràng đầy đủ cho DN, am hiểu chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, giải quyết công việc hiệu quả hơn.

Tỉnh cũng quan tâm củng cố hoạt động và nâng cao vai trò của hội, hiệp hội, khuyến khích tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách phát triển DN theo quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

DN khá hài lòng về chất lượng đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu và đánh giá cao việc hỗ trợ của tỉnh đào tạo về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh.
DN khá hài lòng về chất lượng đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu và đánh giá cao việc hỗ trợ của tỉnh đào tạo về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh.

Những chỉ tiêu đáng lo ngại

Báo cáo phân tích của Sở Kế hoạch- Đầu tư cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2017, Vĩnh Long có 4 chỉ số tăng hạng và 6 chỉ số giảm điểm với những chỉ tiêu được cho là đáng lo ngại.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, PCI năm 2017 bổ sung các chỉ tiêu mới để nắm bắt những thách thức mới trong môi trường kinh doanh và nhấn mạnh những khó khăn DNTN đang gặp phải.

Tuy nhiên, phần lớn các chỉ tiêu mới như: DN làm thủ tục đăng ký DN qua phương thức mới như đăng ký trực tuyến, bưu điện, trung tâm hành chính công, công khai minh bạch thông tin mời thầu, các văn bản tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý...

Vĩnh Long chỉ đạt ở mức trung bình. Kết quả thể hiện DN cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao và đánh giá mức độ thân thiện của CB.CC thực hiện các quy định pháp luật giảm đi.

Năm 2017, qua các số liệu cho thấy tỉnh ưu ái DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn DN trong nước, thể hiện ở việc tăng tỷ lệ % các chỉ tiêu: 51,47% đồng ý cho rằng DN FDI được ưu tiên giải quyết các khó khăn hơn DN dân doanh (năm 2016: 39,33%), 44,74% đồng ý tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân (năm 2016: 36,78%) và 30,26% đồng ý DN FDI trong hoạt động nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ hơn (năm 2016: 22,22%).

Trong khi đó, đánh giá mức độ cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, các nguồn lực kinh doanh như: hợp đồng, đất đai... chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ cơ quan tăng lên 74,36% và 57,75% đồng ý ưu đãi DN lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân DN (tăng gần 10% so năm 2016).

Đánh giá thái độ tích cực của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân giảm gần 9%, việc thực thi chủ trương đúng của lãnh đạo tỉnh ở cấp huyện chưa tốt như năm trước.

Qua phân tích trên đây cho thấy DN cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt.

Bên cạnh các chỉ số tăng điểm vẫn còn nhiều chỉ số sụt hạng, cho thấy tỉnh Vĩnh Long phải quyết liệt hơn nữa trong việc khắc phục những yếu kém đó thời gian tới.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: DN phản ánh tham gia đấu thầu phải đút lót

Có thể đánh giá kết quả PCI năm 2017 của Vĩnh Long, số điểm tăng so với năm 2016, Vĩnh Long vẫn giữ được thứ hạng 6/63 cả nước tỉnh- thành. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh vì trong bối cảnh cạnh tranh sôi động, tích cực. Cải cách hành chính, đào tạo lao động được đánh giá tích cực, khá tốt. Tính năng động của lãnh đạo tỉnh, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự… cũng rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, một số chỉ số thành phần của tỉnh giảm rất sâu: như chỉ số tiếp cận đất đai sụt hạng 14/63, tính minh bạch xếp 51/63 sụt 40 hạng, chỉ số chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng… cũng giảm đáng kể.

Đáng lưu ý, chi phí không chính thức vẫn còn, không chỉ riêng Vĩnh Long mà cả nước, chi phí này là rào cản rất lớn cho phát triển DN.

Cạnh tranh bình đẳng- không bình đẳng ở Vĩnh Long phần lớn rơi vào chỗ đấu thầu, các DN, nhà đầu tư tham gia các công trình, dự án phản ánh là phải đút lót.

Tôi đề nghị các chủ đầu tư phải nghiêm túc cái này, vì có địa chỉ rõ ràng. Ví dụ giám đốc sở làm chủ đầu tư đấu thầu thuốc, đấu thầu bệnh viện, giám đốc các ban quản lý các dự án dân dụng, công nghiệp đấu thầu các công trình của tỉnh; chủ tịch các huyện, thị xã làm chủ đầu tư…

DN phản ánh thì chúng ta phải xem xét, phải rà soát lại bộ phận, không nên để tình trạng này.

Từ điểm yếu này làm ảnh hưởng chỉ số PCI chung của tỉnh, theo tôi, những hạn chế này đều khắc phục được hết, nếu chúng ta sâu sát, trung thực.

 


Ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ: Vui mừng nhưng cũng là áp lực của cơ quan quản lý

Kết quả PCI năm 2017 cho thấy tính ổn định trong điều hành của chính quyền tỉnh Vĩnh Long, vui mừng nhưng cũng là áp lực lớn cho các cơ quan quản lý.

Kết quả này cho thấy xu hướng chung tích cực của chỉ tiêu thành phần các địa phương đều tăng điểm số và ĐBSCL không còn tỉnh yếu kém, chênh lệch điểm số không nhiều. Một số tỉnh, trong đó có Vĩnh Long, chỉ số đào tạo lao động được cải thiện và DN khá hài lòng chất lượng đào tạo. Điều này cho thấy Vĩnh Long giữ vị trí top 10 là cực kỳ khó và thể hiện sự nỗ lực rất lớn.

Chẳng hạn, Vĩnh Long đứng đầu cả nước về rút ngắn số ngày cấp phép đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, số giờ thanh tra thuế làm việc thấp nhất cả nước. Năm 2017, các chỉ tiêu mới đo lường về tham nhũng chiếm tỷ lệ thấp, như: 17,65% DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra; 5,88% DN có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục đất đai… 2 tỷ lệ này thấp nhất so với cả nước.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC