Bị doanh nghiệp Trung Quốc ép giá, xuất khẩu gạo nếp gặp khó

Cập nhật, 10:19, Thứ Ba, 10/04/2018 (GMT+7)

Việc phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường xuất khẩu đang khiến sản xuất, tiêu thụ lúa nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày qua gặp nhiều khó khăn. 

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTTXVN)


Giá lúa gạo nếp cuối vụ Đông Xuân hiện đang sụt giảm đáng kể cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu so với thời điểm đầu vụ. 

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, nông dân ở vùng chuyên canh nếp Thạnh Hóa, Long An, hiện ở khu vực Thạnh Hóa đang vào vụ thu hoạch rộ diện tích lúa nếp vụ Đông Xuân 2017-2018. Tuy vậy, giá lúa nếp tươi tại ruộng đã giảm khá mạnh so với thời điểm thu hoạch lúa đầu vụ (sau Tết Nguyên đán). 

Hiện giá nếp IR4625 chỉ còn 5.400-5.500 đồng/kg, thay vì mức giá 6.000-6.200 đồng/kg trước đó. Một số thương lái trước đó đặt cọc thu mua với giá 6.000 đồng/kg thì nay đều bỏ cọc, do giá giảm mạnh. 

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp cho biết sở dĩ giá lúa nếp nội địa giảm mạnh là do tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu nếp sang Trung Quốc giảm đáng kể do bị các doanh nghiệp nước này ép giảm giá. 

Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn lương thực, thực phẩm Long An cho biết nếu như thời điểm tháng 1-2/2018, giá gạo nếp xuất khẩu dao động ở mức 530-540 USD/tấn thì nay chỉ còn 470 USD/tấn. Với mức giá này, chỉ khi doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa tươi nội địa dưới 5.000 đồng/kg thì mới có lợi nhuận. 

Hiện tại giá lúa nội địa đã giảm mạnh nhưng vẫn còn khá cao so với giá xuất khẩu. Những doanh nghiệp lỡ thu mua nguyên liệu ở thời điểm đầu vụ Đông Xuân thì bán ra lúc này sẽ thua lỗ. 

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đang tạm thời “án binh bất động," chờ qua vụ Đông Xuân xem tình hình giá cả có cải thiện hơn không mới bán ra dù hiện tại vẫn có nhiều đối tác Trung Quốc hỏi mua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa nội địa giảm và tình hình tiêu thụ nếp chậm. 

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho hay thông thường khi vào chính vụ Đông Xuân, gạo Việt, các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc ép giá, nhất là gạo nếp đang hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường này.

Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt không liên kết mà cạnh tranh, đấu đá với nhau thì có nguy cơ mặt bằng giá xuất khẩu sẽ xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới. Trong khi đây là thời điểm để xuất khẩu gạo Việt Nam định hình giá bán trong năm. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các địa phương cần lưu ý không nên mở rộng diện tích lúa nếp. Dù trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gạo nếp lên đến 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu gạo nếp chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 90% tổng lượng nếp xuất khẩu. 

Việc phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu chắc chắn sẽ mang lại rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp, nông dân sản xuất, xuất khẩu gạo nếp.

Chưa kể, các chính sách nhập khẩu của Trung Quốc lại thường xuyên thay đổi, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao.

Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lại khá ít, hiện chỉ còn 19 doanh nghiệp, ông Nam phân tích. 

Bên cạnh đó, các loại gạo thông thường nếu không xuất khẩu được vẫn có thể được dùng trong ngành chế biến thực phẩm hoặc tiêu thụ nội địa, còn gạo nếp thì chỉ còn nước lưu kho rồi thành phế phẩm chứ tiêu thụ nội địa rất ít. 

Dù hiện tại mức giá lúa nếp nội địa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn cao so với năm ngoái nhưng các chuyên gia cho rằng các địa phương, nông dân cần hết sức lưu ý trong việc trồng lúa nếp vụ Hè Thu, chỉ nên trồng nếp ở những vùng chuyên canh sản xuất truyền thống.

Sản lượng gạo nếp của Việt Nam cũng chỉ nên duy trì ở mức 700.000-800.000 tấn/năm thì mới có thể đảm bảo không bị ép giá cũng như không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường trong cơ cấu xuất khẩu gạo. 

Với những thông tin cảnh báo trước đó, trong vụ Đông Xuân 2017-2018, diện tích gieo trồng nhóm lúa nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn tăng trưởng nóng như năm trước song vẫn còn khá nhiều. 

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong vụ Đông Xuân này, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng trên 157.000ha diện tích lúa nếp, chiếm tỷ lệ 9,85 % trong cơ cấu gieo trồng, giảm 4,52% so với niên vụ này năm ngoái và giảm 0,95% so với vụ Thu Đông 2017. 

Rất may trong vụ Đông Xuân này, dù giá lúa nếp đã giảm thấp so với đầu vụ, song do thời tiết thuận lợi nên chi phí sản xuất của nông dân giảm đáng kể, sản xuất vẫn có lời. Trung bình lợi nhuận do trồng lúa nếp mang lại trong vụ này đạt khoảng 16 triệu/ha. 

Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cuối vụ thu hoạch lúa Đông Xuân. Tính đến ngày 5/4, toàn vùng đã thu hoạch xong 1,2 triệu ha trong khoảng 1,6 triệu ha diện tích gieo trồng, với năng suất trung bình đạt 6,5-6,6 tấn/ha./.

Theo TTXVN