Vĩnh Long tạo môi trường thuận lợi đón đầu tư

Cập nhật, 06:05, Thứ Ba, 06/03/2018 (GMT+7)

Vĩnh Long nằm ở hạ nguồn sông Mekong, là đầu mối giao thông giữa các vùng trong khu vực và lưu thông quốc tế thông qua các cửa biển của vùng ĐBSCL. Vĩnh Long đã xác định 6 ưu thế và cũng là định hướng phát triển của tỉnh tập trung thu hút, mời gọi đầu tư.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương đảng- Bí thư Tỉnh ủy (thứ 2, từ phải sang) trao đổi với đại biểu doanh nghiệp nước ngoài tại một hội nghị giới thiệu về Vĩnh Long.
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương đảng- Bí thư Tỉnh ủy (thứ 2, từ phải sang) trao đổi với đại biểu doanh nghiệp nước ngoài tại một hội nghị giới thiệu về Vĩnh Long.

Xác định thế mạnh tiềm năng

Đến nay, Vĩnh Long đã xác định 6 ưu thế phát triển kinh tế của tỉnh là: phát triển nông nghiệp- đứng đầu là cây lúa, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm; cây ăn trái, đặc sản bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… trên 521.000 tấn/năm.

Phát triển chăn nuôi và thủy sản, trong đó đàn heo, bò và gà hơn 8,1 triệu con, thủy sản trên 112.000 tấn/năm. Làng nghề thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm nổi tiếng gạch ngói, gốm đỏ, hàng thủ công mỹ nghệ… đã có mặt nhiều nước trên thế giới.

Du lịch với vẻ đẹp đặc trưng vùng đồng bằng sông nước cùng những điểm đến ý nghĩa và lý thú, với 11 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh cùng 3 khu tưởng niệm: cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố GS.VS. Trần Đại Nghĩa. Hàng năm Vĩnh Long đón trên 1 triệu lượt du khách.

Tiếp đó, phát triển nguồn nhân lực với hệ thống các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo hơn 53.000 lao động/năm.

Phát triển công nghiệp rất được tỉnh chú trọng, hiện tỉnh có 2 khu công nghiệp: Hòa Phú, Bình Minh với tổng diện tích 380ha và còn 121ha chưa cho thuê; 1 tuyến công nghiệp Cổ Chiên dài 20km dọc theo sông Cổ Chiên.

Vĩnh Long đang mời gọi các nhà đầu tư vào các ngành nghề: công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh, mời gọi đầu tư hạ tầng để kinh doanh 3 khu công nghiệp có diện tích 930ha, 14 cụm công nghiệp 659ha… đã được quy hoạch phát triển thương mại- dịch vụ, đô thị, nhà ở phát triển vùng nuôi thủy sản, trồng đặc sản cây ăn trái, vùng chuyên canh hoa màu làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, các loại cây- con giống chất lượng cao.

Từ việc xác định 6 ưu thế tiềm năng, Vĩnh Long đã có các chính sách thu hút, mời gọi đầu tư với các định hướng phát triển rõ ràng. Vĩnh Long luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện nhanh nhất và các DN đã sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: “Tỉnh Vĩnh Long đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư và luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển kinh tế- xã hội”.

Theo đó, Vĩnh Long quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro nhất cho các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án đầu tư.

Đồng thời, bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Bên cạnh, tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích các ngành, đơn vị tham gia kêu gọi đầu tư.

Vĩnh Long là điểm đến đáng tin cậy


Vĩnh Long quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư.
Vĩnh Long quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư.

Tỉnh Vĩnh Long đã được Chính phủ chấp thuận tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Vĩnh Long năm 2018 với chủ đề “Vĩnh Long- Chủ động hợp tác và phát triển bền vững” và hiện đang khẩn trương công tác chuẩn bị cho sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho biết mục tiêu của hội nghị này là vận động thu hút đầu tư theo danh mục 67 dự án thuộc nhiều lĩnh vực, được UBND tỉnh phê duyệt mời gọi đầu tư giai đoạn 2017- 2020.

Đây là cơ hội để tỉnh vận động thu hút đầu tư vào những dự án có trọng điểm, đối tác có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các dự án có sản phẩm lợi thế cạnh tranh; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Hiện quỹ đất sạch 90ha sẵn sàng cho các nhà đầu tư thuê lại tại Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn II và Bình Minh.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh là mời gọi đầu tư các dự án nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như các dự án phát triển trung tâm thương mại hiện đại và đầu tư vào các khu- cụm- tuyến công nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Long đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP; tập trung cải thiện và giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), coi đó là thước đo năng lực quản lý, điều hành của tỉnh trong việc tạo môi trường đầu tư bình đẳng, tin cậy cho nhà đầu tư.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư, xây dựng, kê khai, nộp thuế, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án ở tỉnh Vĩnh Long.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; tạo lập hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: “Một trong những hành động của tỉnh là mạnh dạn bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân”.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC