Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp- mang xuân đến mọi nhà

Cập nhật, 07:17, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

 

Chị Lưu Thị Thanh Loan (phải) được hỗ trợ vay đầu tư mua máy móc, thành lập doanh nghiệp nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (người đứng) nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN phường đã bắt đầu kinh doanh ổn định cuộc sống.

Phát huy vai trò của các cấp Hội LHPN ở Vĩnh Long trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giúp phát triển kinh tế hiệu quả, đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Nhiều chị em đã bước ra khỏi vai trò nội trợ để bắt đầu làm kinh tế tạo thêm thu nhập, nhiều chị lại có thêm điều kiện để phát triển mô hình làm ăn ngày càng mở rộng. Mùa xuân này, nụ cười trên môi các chị thêm tươi với nhiều dự định ấp ủ cho “sự nghiệp” của mình.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các cấp hội tập trung tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực, vai trò của hội viên, phụ nữ; huy động sự tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thông qua nhiều hình thức như thành lập các tổ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, dạy nghề, giới thiệu việc làm, vận động chị em tham gia các tổ hợp tác sản xuất, xây dựng các mô hình giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn vận động nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT chi nhánh, vốn từ các chương trình, dự án của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh, Hội LHPN tỉnh tập huấn nâng cao kiến thức cho 320 cán bộ hội về Luật Giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Kết quả, các cấp hội huy động được trên 310 tỷ đồng, giúp gần 34.000 lượt chị cải thiện và phát triển kinh tế gia đình; tăng cường vận động, hỗ trợ được 279 phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Lưu Thị Thanh Loan (phải) được hỗ trợ vay đầu tư mua máy móc, thành lập doanh nghiệp nhỏ.
Chị Lưu Thị Thanh Loan (phải) được hỗ trợ vay đầu tư mua máy móc, thành lập doanh nghiệp nhỏ.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ vốn, tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp chị em có điều kiện đầu tư khởi nghiệp kinh doanh, đạt 558% chỉ tiêu, vượt 458% kế hoạch.

Trong đó, nổi bật như Hội LHPN tỉnh tập huấn hỗ trợ 3 phụ nữ khởi nghiệp bằng mô hình trồng lan cắt cành gắn với hệ thống tưới phun tại TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ và 35 phụ nữ khởi nghiệp thông qua mô hình Tổ hợp tác trồng cam Vũng Liêm; hỗ trợ thành lập DNTN Duyên Ý do nữ làm chủ tại Phường 5 (TP Vĩnh Long)...

Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và Hội Doanh nhân trẻ đưa 15 chị em trưng bày 12 sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp nữ tham gia “Ngày hội việc làm phụ nữ lần thứ 9 và kết nối doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt” tại TP Hồ Chí Minh;

qua đó, có 3 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các công ty và hợp tác xã, doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, tạo điều kiện ổn định cho đầu ra của sản phẩm, góp phần hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công.

Bà Phan Kim Quyên- Trưởng Ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- nhận định: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vừa mới được thực hiện không lâu nhưng bước đầu rất phấn khởi, số lượng phụ nữ được hỗ trợ vượt cao so với kế hoạch đề ra.

Các cấp hội tổ chức hoạt động phù hợp nhu cầu của từng nhóm đối tượng, tăng cường tính liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hầu hết các chị được hỗ trợ chí thú làm ăn nên kinh tế có phát triển, cuộc sống khởi sắc.

Quan trọng hơn là thông qua việc tuyên truyền và tập huấn các kiến thức, các kỹ năng làm kinh tế đã làm chuyển biến nhận thức tự vươn lên, hội nhập với xã hội của các chị rất mạnh mẽ.

Ước mơ đầu năm mới

Chúng tôi đến thăm Công ty TNHH Duyên Ý- một địa chỉ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công của Hội LHPN tỉnh. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tươi tắn, nhiệt tình.

Từ mô hình trồng rau sạch kết hợp nuôi cá và làm chuối sấy dẻo bán nhỏ lẻ tại nhà, chị Lưu Thị Thanh Loan luôn ấp ủ ước mơ “vươn mình ra biển lớn”.

Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, chị Loan vay 50 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc trang thiết bị và thành lập doanh nghiệp quy mô nhỏ, chuyên sản xuất trái cây sấy dẻo và tôm khô, theo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm với hương vị tự nhiên.

Bước đầu chị Loan đã có được hiệu quả tích cực, có thị trường ổn định, nhất là hợp đồng được với công ty bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh, và được Bưu điện tỉnh Vĩnh Long chọn làm đặc sản Vĩnh Long đưa lên hệ thống bán hàng của Bưu điện toàn quốc.

Chị Lưu Thị Thanh Loan cho biết: “Công ty tôi với tiêu chí là đem sản phẩm sạch góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và góp phần tạo việc làm cho chị em phụ nữ quanh khu vực, vì tôi cũng được Hội LHPN hỗ trợ.

Tôi luôn có mong muốn sản phẩm của mình trở thành một trong những đặc sản của Vĩnh Long, nhất là món chuối sấy dẻo. Gần nhất là tôi đang muốn sản phẩm của mình được vào hệ thống siêu thị, nếu dịp tết này mà các sản phẩm trái cây sấy dẻo và tôm khô được ra mắt người tiêu dùng thì rất phù hợp với những ngày tết”.

Từng có tiền án, trở về địa phương, không vốn liếng buôn bán, không đất vườn sản xuất lại khó xin việc làm, chị Nguyễn Thị Kim Loan tưởng chừng rơi vào bế tắc.

May nhờ Hội LHPN Phường 4 (TP Vĩnh Long) kịp thời hỗ trợ. Trước tiên chị được kết nạp hội viên, rồi được giới thiệu vay để mua lại mảnh đất nhỏ và được Hội LHPN phường vận động quỹ “Vì Người nghèo” xây tặng căn nhà đại đoàn kết.

Đặc biệt, chị Loan được vay một số vốn để bắt đầu lại cuộc sống mới với xe bánh mì và mở một quán cà phê nhỏ trong sân nhà. Nhờ chí thú làm ăn, giờ đây chị thu nhập trên 200.000 đ/ngày, cuộc sống ngày càng vững.

Chị Loan vui mừng tâm sự: “Thật biết ơn mấy chị phụ nữ ở phường, nhờ vậy mà cuộc đời tôi sang trang mới. Tết năm nay, nhà tôi sẽ ăn tết lớn, tôi sẽ mua nhiều chậu hoa chưng trong nhà cho sung túc, may mắn, mua nhiều bánh mứt để tết mời mấy chị tới nhà chơi”.

Xã Hòa Phú (Long Hồ) đang có trên 20 hộ đang khởi nghiệp với nghề trồng nấm bào ngư, tất cả họ đều là hội viên Hội LHPN xã. Theo chị Bùi Thị Oanh- Chủ tịch Hội LHPN xã, các hộ hội viên tham gia mô hình khởi nghiệp này sẽ được “tài trợ” 30% khi mua 300 phôi nấm về trồng, ai đầu tư nhiều hơn sẽ được hỗ trợ cho vay.

Các chị đều được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm.
Các chị đều được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm.

Các chị cũng sẽ được kỹ thuật viên và cán bộ hội trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách xử lý vấn đề môi trường và tham gia các lớp tập huấn trồng nấm cho năng suất cao.

Chị Lê Thị Cẩm Vân (ấp Phước Lộc) cho biết: “Trước đây, tôi chỉ làm nội trợ. Giờ được giới thiệu hướng dẫn từng bước và hỗ trợ vốn, tôi trồng được 300 phôi nấm, mỗi tháng thu hoạch được 2 lần, bán cũng có tiền lắm.

Tôi cũng dự định sẽ vay vốn để mở rộng ra thêm”. Chị Bùi Thị Oanh cũng là hộ trồng nhiều nhất với 3.000 phôi, chị học hỏi nắm kỹ thuật rất chắc và chỉ dẫn lại cho các chị tận tình.

Chị Oanh cho biết: “Tôi cũng vay của quỹ hội để đầu tư trồng, đã được hơn 1 năm, thu hoạch được 15 đợt khoảng 1,2 tấn. Nghề này cũng không cực lắm, chỉ nắm kỹ thuật là hiệu quả. Hội LHPN xã dự định mở rộng ra thêm để mấy chị có thêm nghề kiếm sống”.

Nhìn nụ cười tươi tắn trên môi các chị khi khởi nghiệp thành công, chúng tôi thấy đó là những nụ cười xuân.

Bài, ảnh: HẢI YẾN