Điều kiện và động lực phát triển kinh tế

Cập nhật, 07:29, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

LTS: Chúng tôi gọi mùa bắt đầu năm 2018 là “mùa Xuân khởi nghiệp”. Trên nền tảng vai trò quan trọng của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đã được khẳng định, môi trường kinh doanh rộng mở khuyến khích người người, nhà nhà khởi nghiệp cùng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ kiến tạo và hành động… đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo mới để chúng ta bắt đầu khởi tạo những kế hoạch, ý tưởng kinh doanh mới.

Bài viết của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long từ góc nhìn của doanh nhân, cho thấy điều kiện phát triển và động lực cho khởi nghiệp đã mở ra và chính quyền cần có định hướng, tư duy, nắm bắt xu hướng quản lý phù hợp.

NGUYỄN TƯỜNG NAM-  Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long
NGUYỄN TƯỜNG NAM- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(*)– thế hệ doanh nhân mới hình thành được đào tạo tốt, làm chủ công nghệ, có khả năng tự phát triển, nắm bắt cơ hội tạo ra những giá trị mới, sống có lý tưởng…

Năm 2017, hàng loạt các chủ trương và chính sách ra đời nhằm hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và động lực cho khởi nghiệp. Hiệu ứng có thể thấy hàng loạt cơ chế chính sách được điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp được thành lập, các bạn trẻ đã quan tâm và bắt đầu khởi nghiệp nhiều hơn.

Có thể thấy những năm gần đây, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm nhiều hơn để khai thác lợi thế các nguồn lực của địa phương và doanh nghiệp cũng tập trung liên kết để phát huy hiệu quả các ngành nghề hiện đang có thế mạnh.

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp ở các địa phương chênh lệch nhau đã hình thành nên những vùng trũng về kinh tế.

Thực trạng này cho thấy quan hệ động lực và điều kiện để phát triển cần được đánh giá một cách khách quan, có trách nhiệm của doanh nghiệp, chính quyền và toàn xã hội; nhằm có sự đồng thuận vun đắp cho địa phương phồn thịnh, góp phần vào mục tiêu phát triển của toàn dân tộc.

Điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là những yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì và tăng trưởng trong môi trường kinh doanh.

Ở góc độ vĩ mô có thể nói như: môi trường về tự nhiên, kinh tế, chính sách, công nghệ, văn hóa, xã hội… tác động lớn đến quyết định đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Các yếu tố này, một số thuộc về tự nhiên phải chấp nhận nhưng đa phần còn lại có thể cải thiện được.

Thực trạng môi trường kinh doanh không hẳn là do sự điều hành vĩ mô trong thời gian ngắn, mà có những yếu tố tích lũy dần trong khoảng thời gian dài. Chậm trễ ban hành chính sách thích ứng và thực thi chính quyền hành động không những bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế mà còn tăng sức ì của môi trường kinh doanh vĩ mô.

Bên cạnh, các điều kiện kinh doanh đã được tập trung nghiên cứu tháo bỏ theo tinh thần kiến tạo của Chính phủ nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều yếu kém do bộ máy hành chính còn cồng kềnh, kém hiệu quả. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình chưa cao làm hạn chế cạnh tranh công bằng là điều kiện hình thành lợi ích cục bộ.

Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long và Trường ĐH Cửu Long ký kết văn bản thỏa thuận xây dựng mẫu hình hợp tác, trong đó có mục tiêu giúp sinh viên tiếp cận hoạt động doanh nghiệp, hỗ trợ ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp. Ảnh: CAO HUYỀN
Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long và Trường ĐH Cửu Long ký kết văn bản thỏa thuận xây dựng mẫu hình hợp tác, trong đó có mục tiêu giúp sinh viên tiếp cận hoạt động doanh nghiệp, hỗ trợ ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp. Ảnh: CAO HUYỀN

Có thể thấy khá phổ biến, doanh nghiệp vẫn xem các mối quan hệ là quan trọng trong việc kinh doanh của mình. Hệ quả của việc này là có ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị tài nguyên bản địa, cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Ở góc độ khác, động lực phát triển kinh tế có cả yếu tố điều kiện của môi trường kinh doanh và tinh thần của doanh nhân. Có được các điều kiện thuận lợi, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận kinh doanh là lực dẫn thu hút vốn đầu tư doanh nghiệp. Thuận theo kinh tế thị trường, điều kiện chưa đủ hấp dẫn, còn rào cản thì chưa thể tạo động lực phát triển.

Vấn đề ở chỗ, góc nhìn về quản lý, định hướng của chính quyền cần có tư duy tương đồng như chiến lược kinh doanh để phát kinh tế và nắm bắt xu hướng cho phù hợp. Khai thác giá trị tài nguyên bản địa cần quan tâm những giá trị kinh tế, bên cạnh đó, cần lưu ý giá trị văn hóa và lợi ích xã hội.

Ví dụ, thu hút phát triển đầu tư ngành nghề có lợi thế nhưng tiềm ẩn mối nguy hại cho môi trường, ảnh hưởng nhiều đến các tài nguyên có giá trị cho cộng đồng; hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống không chỉ thiên về công nghệ, năng suất mà còn đánh giá về giá trị văn hóa, lịch sử ra đời của làng nghề ấy, từ đó xác định quy mô thương mại để tránh cạnh tranh ở những phân khúc không có thế mạnh, thay vào đó phát triển làng nghề gắn với dịch vụ mang lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Yếu tố tinh thần doanh nhân cũng ảnh hưởng đặc biệt đến thu hút đầu tư và phát triển xã hội.

Hiện nay, nhiều doanh nhân tạo lập những doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng cũng rất cần những doanh nhân tham gia vào chuỗi giá trị có năng suất lao động cao, phát triển ưu thế tài nguyên bản địa, những lĩnh vực mới có khả năng dẫn nền kinh tế phát triển bền vững.

Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long trao nhà nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long trao nhà nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Tinh thần dân doanh còn mang ý nghĩa tinh thần dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần 5 của Trung ương Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước, chủ trương sắp xếp tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy công quyền, việc giám sát quyền lực và ngăn chặn lợi ích nhóm trong hoạt động kinh tế đã bắt đầu tạo dấu ấn trong năm 2017.

Việc tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển được ấn tượng hay không hiện tại tùy thuộc rất nhiều vào ý chí hành động của lãnh đạo các cấp chính quyền, trong đó rất cần tính tương tác với cộng đồng doanh nghiệp và không thể thiếu sự đồng thuận của người dân.

Dòng chảy vốn đầu tư luôn đổ về nơi có nhiều cơ hội tạo ra nhiều lợi nhuận. Doanh nhân có thể xây dựng và phát triển doanh nghiệp ở nhiều nơi khác nhau nhưng ngay trên chính quê hương mình, rất cần những con người dám dấn thân vì sự phồn vinh, phát triển kinh tế, là giàu cho bản thân và đất nước.

Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội và khi điều kiện, động lực phát triển đủ lớn, sẽ góp phần quan trọng làm nên mùa xuân rạng ngời, đầy tự hào cho dân tộc.

(*) câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh