Bàn tròn Doanh nhân trẻ

Họ đã khởi sự kinh doanh như thế nào?

Cập nhật, 07:29, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

Bàn tròn Doanh nhân trẻ Xuân 2018 trở lại với độc giả qua đề tài rất thời sự: Họ đã khởi sự kinh doanh như thế nào? 

Những câu chuyện khởi sự doanh nghiệp, thành công lẫn không ít lần “lên bờ xuống ruộng” sẽ cung cấp những kinh nghiệm thực tế và niềm cảm hứng cho bạn, cho tôi mạnh dạn bước vào con đường kinh doanh với đầy những khám phá thú vị và khơi gợi sự sáng tạo…

*Vừa học vừa làm, vừa làm vừa… rút kinh nghiệm

Doanh nhân Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV

Từ hơn 30 năm trước khi còn là sinh viên Trường Nghề Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh), tôi đã tập tành làm ăn, 1 giạ gạo từ miền Tây đem lên Chợ Lớn- Sài Gòn bán lời gấp 3 lần. Khoảng năm 1990, gia đình tôi mở nhà máy lau gạo và liên kết với một doanh nghiệp người Hoa ở Chợ Lớn xuất khẩu gạo.

Bước ra làm kinh doanh thuận lợi, nhưng “lên bờ xuống ruộng” cũng nhiều. Tôi từng bán gạo và bị người ta lừa đến bể nợ.

Đó là bài học đắt giá mà sau này mình rút kinh nghiệm xương máu, trong các giao dịch phải rất thận trọng, kỹ lưỡng.

Từ vấp ngã, mình bước đi từ từ tạo mối quan hệ, mở thị trường. Khoảng năm 1994, miền Trung, miền Bắc tham gia vào thị trường gạo.

Hồi đó, tôi chở xe tải 8 tấn gạo từ Cái Bè, mỗi chuyến đi bỏ gạo từ Hố Nai đi tới Nha Trang, chuyến về mới gom tiền, may mà gom đủ tiền. Đến năm 2000, Phước Thành IV đã xây dựng thương hiệu đầu tiên là nhãn hàng gạo “Chim bồ câu”.

Doanh nhân Trần Văn Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc

Chuyên ngành của tôi là kinh doanh sắt, thép. Năm 2006, tôi làm giám đốc chi nhánh ở Đà Nẵng, học lớp khởi sự doanh nghiệp và lúc đó nảy ý định ra riêng. Lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị về TP Hồ Chí Minh giữ chức vụ quan trọng tại tổng công ty, nhưng tôi thấy không hứng thú.

Quê tôi ở Phú Yên, đến Vĩnh Long khởi sự kinh doanh chỉ tình cờ. Thời gian làm thuê ở công ty, tôi phụ trách khai phá, mở rộng thị trường, nên nắm rõ nhu cầu phát triển từng địa phương. Năm 2008 tình hình kinh tế gặp khó khăn, tôi quyết định sang lại tài sản, mặt bằng của một doanh nghiệp và tự mình liên hệ làm các thủ tục thành lập công ty mới.

Còn nhớ ngày khai trương hầu như tôi không có bạn bè, khách hàng Vĩnh Long. Hơn 10 năm, Hoàng Thiên Lộc đã có chỗ đứng trên thị trường tôn, thép và Vĩnh Long đã là quê hương thứ hai.

Doanh nhân Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải

Tôi ra trường với tấm bằng công nghệ thông tin, 24 tuổi lập gia đình và từ đó cuộc đời sang trang mới. Gia đình chồng có cơ sở sản xuất bánh kẹo nhỏ nhưng khá nổi tiếng.

Tôi bắt đầu từ công việc của một công nhân. Thời sinh viên nhờ làm thêm nhiều việc mà tôi đỡ bỡ ngỡ khi được nhà chồng giao quản lý. Hiện tôi còn phải học thêm tiếng Anh giao tiếp.

Tôi học cách quản lý và chia sẻ với công nhân, hiểu từng công đoạn để nói chuyện với mọi người. Phải thân thiện, đồng cảm, không phân biệt chủ và người làm công. Nhờ vậy họ sẵn lòng tăng ca khi hàng gấp, gắn bó lâu dài với công ty.

Doanh nhân Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty Cơm sấy Nhật Quỳnh

Phải nói việc Cơm sấy Nhật Quỳnh có mặt trên thị trường là một cơ duyên. Chúng tôi nhận thấy cơ hội, cơm cháy có thể phát triển tốt vì nó gần gũi với người Việt Nam.

Với việc trả lời từng câu hỏi “làm thế nào”, chúng tôi bắt tay vào cải tiến, hoàn thiện sản phẩm cơm cháy truyền thống và phát triển thị trường một cách có hệ thống.

Thay những miếng cơm đáy nồi bằng cơm nấu chín rồi ép định hình bằng khuôn làm ra những miếng bánh, đưa vào lò sấy khô, chiên, tẩm gia vị và sau cùng rắc chà bông, tép hoặc mực xé lên mặt bánh. Đóng gói hút chân không giúp bảo quản sản phẩm được lâu, vận chuyển đi xa…

Nói thì đơn giản, nhưng chúng tôi phải mất vài năm để cải tiến và hoàn thiện. Từ năm 2002 đã đổi tên là Cơm sấy. Cơm sấy phát triển từ miếng cơm cháy bình dân nhưng giòn xốp, thơm ngon, hợp vệ sinh hơn. 

Doanh nhân Châu Tuấn Đạt- Giám đốc Công ty TNHH TM Tân Thành

Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh doanh, học được nhiều cách xoay chuyển đồng vốn, mối quan hệ có sẵn… Cùng vốn kiến thức du học nước ngoài, tôi nghĩ đã có thể áp dụng, nhưng thực tế cũng vỡ ra nhiều vấn đề.

Khi bắt tay vào thay đổi, tưởng dễ mà không dễ nhất là trong quản lý nhân sự, môi trường, văn hóa làm việc của công ty.

Tôi đã đầu tư suy nghĩ, nghiên cứu, thay đổi đến 3 công ty để lập phần mềm quản trị doanh nghiệp và phải mất 2 năm mới hoàn thành. Phần mềm quản trị hỗ trợ quản lý các lĩnh vực kho bãi, dịch vụ, chỉ tiêu bán hàng… dần đi vào bài bản.

*Quyết chí ắt làm nên

Doanh nhân Nguyễn Văn Thành

Theo tôi, trong kinh doanh không nói chuyện may rủi, mà phải nói mình có quyết tâm, chịu khó hay không. Làm ăn phải có cái tâm thì mới tồn tại lâu dài.

Tôi đang thành lập công ty khởi nghiệp, sắp tới sẽ hỗ trợ sinh viên các trường trong tỉnh và khu vực.

Chúng tôi có thể giúp các em nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh hoặc tôi sẽ đầu tư mạo hiểm, giới thiệu đến các doanh nghiệp để cùng phát triển ý tưởng.

Tiếp theo, công ty khởi nghiệp lĩnh vực xây dựng, đây là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng hiện có rất ít doanh nghiệp đủ khả năng thi công các công trình lớn. Chúng tôi muốn là cầu nối giữa doanh nghiệp và các trường ĐH, tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát thực tế, tạo môi trường ươm mầm cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Doanh nhân Trần Văn Hoàng

Theo tôi, môi trường kinh doanh ở Vĩnh Long hiện nay khá tốt cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Qua việc tỉnh tăng cường hỗ trợ nhiều về đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Hoàng Thiên Lộc đã được chứng nhận ISO 9001- 2015, giúp công ty hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Để bắt đầu khởi sự kinh doanh, theo tôi phải có quyết tâm thực hiện và phải có đam mê. Tôi từng nung nấu ý định “ra riêng” từ rất lâu, và khi thấy điều kiện đã chín muồi thì quyết định làm ngay.

Doanh nhân Lê Trúc My

Tôi thấy đam mê kinh doanh đã thấm vào máu thịt và tôi mong muốn công ty ngày càng phát triển hơn nữa. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi mạnh dạn đề xuất đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, mỗi năm sản lượng tăng khoảng 10%, tiết kiệm sức lao động và thời gian từ 20-30%.

Theo tôi dù khó khăn mấy thì có kiên trì, quyết tâm sẽ vượt qua được. Thành công thường đi với thất bại. Tôi từng trải qua vài lần sai lầm trước khi làm đúng. Tôi đã học được nhiều từ những sai lầm đó.

Doanh nhân Vũ Văn Năng

Lúc mới khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vốn. Với đà tăng trưởng bình quân 20%/năm về quy mô và sản lượng mỗi năm, cần phải mở rộng nhà xưởng, đầu tư thiết bị cải thiện chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì. Tất cả những đầu tư trên cần số tiền không nhỏ.

Dù vậy, chúng tôi đã ứng dụng thành công chiến lược “Đại dương xanh” cho kế hoạch kinh doanh những năm đầu khởi nghiệp của mình. Không có tiền thì cũng rất khó khăn để khởi sự kinh doanh. Nhưng quyết tâm, kinh nghiệm, theo tôi cũng là tiêu chí quan trọng.

Doanh nhân Châu Tuấn Đạt

Là một giám đốc còn trẻ, đi du học về chưa có nhiều kinh nghiệm. Mà khó nhất của công ty gia đình là công đoạn thực hiện, nhưng tôi quyết tâm phải mạnh tay “thay máu”, lúc đầu đụng chạm khó chịu nhưng sẽ làm công ty tốt lên.

Sau 4 năm tôi phụ trách áp dụng phầm mềm quản lý mới, đã có nhiều chuyển biến bước đầu. Chẳng hạn, doanh số công ty tăng. Chúng tôi có thể truy cập dữ liệu hàng ngày, chỉnh sửa sai sót kịp thời. Rút ngắn thời gian đưa sản phẩm tới khách hàng, kiểm tra tốt các dịch vụ, đánh giá đúng năng suất của người lao động. Đồng thời, thiết lập lại kho hàng, hạn chế thất thoát…

Quan niệm kinh doanh của tôi là phải có chữ “nhẫn” và chữ “nhịn”, có những cách làm cần phải chậm mà chắc. Mục tiêu sắp tới của tôi là áp dụng quy trình quản lý từ xa và dự định 2018 sẽ mở chi nhánh cửa hàng tổng hợp ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

TRẦN PHƯỚC- THẢO LY (thực hiện)