Sẽ quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gạch- gốm

Cập nhật, 17:01, Thứ Năm, 09/11/2017 (GMT+7)

Trong đợt khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017 của Tỉnh ủy tại huyện Long Hồ vừa qua, đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- đã có buổi gặp gỡ, trao đổi và đặt ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất gạch, gốm tại xã Thanh Đức (Long Hồ), tiếp tục duy trì phát triển tốt ngành nghề truyền thống của tỉnh.

Nguồn lao động khan hiếm cũng là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.
Nguồn lao động khan hiếm cũng là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.

Duy trì trong khó khăn

Các doanh nghiệp sản xuất gạch- gốm tại xã Thanh Đức từ năm 2008 đã được UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề truyền thống.

Sản lượng bình quân đạt trên 30 triệu sản phẩm/năm, sản phẩm gốm xuất khẩu sang nhiều nước theo đơn đặt hàng, sản phẩm gạch nung cung ứng cho nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh; các cơ sở hoạt động đã giải quyết được hàng ngàn lao động địa phương.

Hiện một số cơ sở đã chuyển đổi sang lò nung liên hoàn 1 dãy kiểu Long Hồ, xuất phát từ đề tài lò nung liên hoàn của tỉnh, rút ngắn được thời gian, tăng năng suất.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự cạnh tranh, nhu cầu vốn, nhu cầu thị trường sụt giảm, các cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở đã ngưng, nghỉ hoạt động; một số hoạt động cầm chừng.

Ông Lê Hữu Dũng- chủ DNTN Song Hiệp- cho biết: Doanh nghiệp chuyên sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu qua các nước Châu Âu, những năm trước lợi nhuận cũng khá từ 10- 20%, nhưng những năm gần đây do nhu cầu thị trường nước ngoài giảm sút nên giá giảm, lợi nhuận giảm.

Vì thế, thu nhập của nhân công cũng giảm, nhiều lao động đã bỏ nghề tìm việc ở các khu công nghiệp. Trong khi đó nguồn vốn vay kinh doanh quá ngắn hạn (chỉ 4 tháng), khách hàng thì chậm trả tiền nên gây nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã không trụ nổi.

Ông Tào Xíu Châu- đại diện Công ty TNHH Nam Hiệp Hưng- chia sẻ thêm: Khó khăn đang gặp phải của doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu đất sét đã cạn kiệt, chưa phân loại được vùng đất để làm gốm, hiện giờ chỉ nhập đất sét từ tỉnh bạn.

Bên cạnh thì nguồn trấu đốt cũng khan hiếm, giá cả cao lại đo lường không đủ. Nguồn lao động thì ít ỏi, già nua.

Muốn tìm lao động trẻ có tay nghề để làm lâu dài cũng hiếm, vì thu nhập thấp nên họ tìm việc ở các khu công nghiệp. Nếu muốn thu hút lao động thì phải trả lương cao mà muốn được vậy thì giá bán sản phẩm phải cao, mà điều đó là vô cùng khó khăn.

Chị Nguyễn Hồng Sa (ấp Long Hưng, xã Thanh Đức) là công nhân tại doanh nghiệp Song Hiệp chia sẻ: “Mấy năm trước hàng nhiều, có tăng ca thường xuyên. Giờ thì ít lắm nên chiều về sớm, có thời gian rảnh là đi ruộng chăm sóc lúa. Mấy năm nay, thợ bỏ nghề nhiều. Lâu rồi không có người tới học nghề gốm. Hồi xưa học phải “thí công”, giờ hỗ trợ đủ thứ vẫn không có người học”.

Ông Trần Ngọc Khải- đại diện doanh nghiệp Phong Vân- cho biết: Hiện tại vấn đề cơ sở hạ tầng xung quanh làng nghề gốm này cũng gặp khó khăn, đường sá xuống cấp, nhiều nơi còn thiếu đèn đường thắp sáng, bị khu vực chợ lấn chiếm gây khó khăn cho việc chuyên chở hàng. Vì là hàng dễ vỡ nên chỉ cần đoạn đường khó vận chuyển là rất dễ vỡ hàng, hết lợi nhuận.

Tìm giải pháp duy trì làng nghề truyền thống

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp chia sẻ cũng như các kiến nghị về quy hoạch vùng đất sét làm gốm, cung ứng nguồn nhiên liệu chất đốt, tăng thời hạn cho vay, đào tạo nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đức Nguyễn Vĩnh Hòa cũng đề nghị tỉnh và huyện quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường chính của khu vực làng nghề, đầu tư đèn thắp sáng góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương cũng như đảm bảo an toàn cho việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Lê Phi Long- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết thêm: Tâm lý người dân là không muốn hạ thấp diện tích mặt đất vì sợ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, vì thế thời gian tới đề nghị Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét phải gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để xác định vùng đất cụ thể, chính xác.

Nơi nào sản xuất phù hợp thì công bố quy hoạch vùng đó để người dân đồng tình cho khai thác. Còn về tuyến đường đi vô làng nghề vì thời gian sau này làng nghề chậm phát triển nên không còn đầu tư nâng cấp.

Hướng tới, huyện sẽ kết hợp với xã thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đầu tư làm lại con đường.

Sau khi nghe địa phương và doanh nghiệp trao đổi những khó khăn và kiến nghị nhiều giải pháp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu khẳng định rằng, phải có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ từ tỉnh đến địa phương và các doanh nghiệp trong việc chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp.

Trước mắt là phải xác định được nguồn đất sét của tỉnh có còn phù hợp để sản xuất gốm theo nhu cầu hiện nay không.

Nếu còn thì sẽ nhanh chóng quy hoạch nguồn nguyên liệu tại chỗ, phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường xem vùng nào có đất thích hợp để khai thác theo hướng bảo tồn nguồn tài nguyên đất. Sắp tới, tỉnh sẽ chỉ đạo để khai thác vùng nguyên liệu đất sét. Bên cạnh là sẽ liên kết với các ngành chế biến lương thực để có nguồn trấu đốt ổn định về trữ lượng và giá cả.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị huyện tính toán phần kinh phí để hỗ trợ đầu tư tuyến đường vào các cơ sở và hệ thống đèn, có thể đưa vào kế hoạch năm 2018.

Đặc biệt, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành công thương, các ngành liên quan và trung tâm dạy nghề để có kế hoạch đào tạo nguồn lao động; sẽ có cuộc làm việc với phía ngân hàng kiến nghị tăng thời gian cho vay, mức hợp lý có thể là 6 tháng.

Hiện nay, tại xã Thanh Đức, số cơ sở sản xuất gạch, gốm ngưng, nghỉ hoạt động là 19 cơ sở với 59 miệng lò; trong đó sản xuất gốm 15 cơ sở và gạch 4 cơ sở. Có 13 cơ sở với 140 miệng lò; trong đó có 8 cơ sở gốm và 5 cơ sở gạch còn hoạt động. Nguồn nguyên liệu đất sét được cung ứng từ các tỉnh lân cận.

Bài, ảnh: HẢI YẾN